Hải quân Mỹ từng dự định loại biên sớm nhiều tàu chiến mặt nước nhằm tiết kiệm ngân sách, nhưng bản kế hoạch mà các đô đốc theo đuổi đã gặp phải một "hòn đá tảng" lớn.
Để không bị áp đảo về số lượng tàu mặt nước so với Hải quân Trung Quốc - lực lượng được xác định là đối thủ chính, Hải quân Mỹ chẳng những không thể loại biên sớm mà còn phải kéo dài thời hạn sử dụng của nhiều chiến hạm.
Hiện tại, Hải quân Mỹ vẫn là lực lượng được đánh giá mạnh nhất thế giới, họ sở hữu hạm đội đồ sộ, với tổng lượng giãn nước của tàu chiến ở mức vô địch, với 11 tàu sân bay hạt nhân, 9 tàu sân bay hạng nhẹ và nhiều khu trục, tuần dương hạm.
Ngoài lượng giãn nước tổng, chất lượng hạm đội Mỹ cũng ở mức cực kỳ cao, khi mỗi chiến hạm của họ được đánh giá đều sở hữu những hệ thống tác chiến tinh vi và vũ khí uy lực.
Mặc dù vậy, số lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ lại suy giảm liên tục kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, đến mức hiện nay chất bị nhận xét không bù đắp nổi thiếu hụt về lượng, nhất là khi gặp phải một đối thủ như Trung Quốc.
Thậm chí việc lên kế hoạch tăng cường đóng thêm tàu chiến mới trong tương lai gần, nói chung vẫn không cải thiện tình hình sụt giảm mạnh về số lượng tàu mặt nước của Hải quân Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 9 khu trục hạm lớp Arleigh Burke Flight 3 thuộc thế hệ mới đã được đặt hàng và một số lượng chưa xác định khinh hạm Constellation sẽ gia nhập hạm đội trong thời gian tới.
Nhưng để không bị áp đảo về số lượng trước Hải quân Trung Quốc, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ đề xuất cho ngừng hoạt động các tàu chiến sắp hết thời hạn sử dụng hoặc gặp một số vấn đề kỹ thuật.
Bên cạnh lệnh kéo dài thời gian tại ngũ đối với 2 tàu tuần dương mang tên lửa lớp Ticonderoga, quy định này còn được mở rộng cho 4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke khác.
Những khu trục hạm USS Ramage (DDG 61) cảng nhà tại Norfolk, bang Virginia và USS Benfold (DDG 65) đang triển khai tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản, được gia hạn tại ngũ 5 năm, tương ứng cho đến năm tài chính 2035 và 2036.
Tương tự, tàu USS Mitscher (DDG 57) đóng tại Norfolk và USS Milius (DDG 69) đang phục vụ ở Yokosuka sẽ được gia hạn thêm 4 năm tại ngũ, tương ứng cho tới năm tài chính 2034 và 2035.
Trước đó khu trục hạm dẫn đầu của lớp - chiếc USS Arleigh Burke (DDG 51), vào tháng 3/2023 đã nhận quyết định kéo dài thời hạn hoạt động thêm 5 năm, tức là nó sẽ phục vụ tới năm tài chính 2031, thay vì về hưu vào năm 2026 như dự kiến.
Như vậy, thời hạn phục vụ của mỗi tàu khu trục được kéo dài lên ít nhất 35 năm. “Điều này thể hiện cam kết của Hải quân Mỹ trong việc cung cấp các năng lực và khả năng phù hợp cho hạm đội tàu mặt nước", Chuẩn Đô đốc Fred Pyle - Chỉ huy Bộ phận tác chiến bề mặt cho biết.
"Hành động trên phù hợp với cam kết của Bộ trưởng Hải quân Del Toro trước Quốc hội về việc xem xét tuổi thọ của từng con tàu và kéo dài thời gian tại ngũ của những chiếc đủ điều kiện", Chuẩn Đô đốc Pyle khẳng định.