Hải quân Mỹ sắp trang bị tên lửa diệt radar đời mới hỗ trợ phi đội máy bay chiến đấu
Đầu tuần này, Hải quân Mỹ thông báo rằng tên lửa săn radar mới của họ, đang chính thức chuyển sang giai đoạn sản xuất đầu tiên, có thể khiến khả năng tàng hình trở nên ít cần thiết hơn một chút đối với các phi đội máy bay chiến đấu Mỹ.
Loại vũ khí mới này, được đặt tên là Tên lửa dẫn đường chống bức xạ tiên tiến - Tầm bắn mở rộng (AARGM-ER), rất giống với hệ thống vũ khí AARGM hiện có của Hải quân Mỹ, nhưng kết hợp một số cải tiến với mục đích tăng cả tầm bắn và độ chính xác.
AARGM và AARGM-ER mới là tên lửa "chống bức xạ", được thiết kế để săn lùng các điểm phát xạ vô tuyến của đối phương - đặc biệt là các radar trên mặt đất.
Thông báo được đưa ra sau khi Hải quân Mỹ tiến hành cuộc thử nghiệm bắn đạn thật tên lửa mới thành công vào tháng trước tại thao trường Point Mugu ngoài khơi bờ biển miền nam California. Cuộc thử nghiệm diễn ra sớm hơn 3 tháng so với dự kiến ban đầu, cho thấy quá trình phát triển vũ khí đang tiến triển tốt hơn dự kiến.
Tên lửa mới sẽ tận dụng gói dẫn đường đa chế độ bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS và các cảm biến trên tên lửa, giúp việc tiếp tục theo dõi mục tiêu sau khi chúng tắt radar và ngay cả khi tên lửa đang trên đường bay.
Trên thực tế, AARGM-ER có thể được khai hỏa trước khi bắt được mục tiêu, dựa vào dữ liệu nhắm mục tiêu do các máy bay ở phía trước cung cấp. Do vậy, với tên lửa mới này, tính năng tàng hình không còn quá cần thiết.
Theo bài về hệ thống vũ khí này trên The Warzone, “Tên lửa chống bức xạ cũng có thể chuyển tiếp dữ liệu trong những khoảnh khắc cuối cùng để xác nhận xem có tấn công thành công mục tiêu dự kiến hay không.”
Tên lửa mới có thể chứa nhiều loại đầu đạn, sử dụng động cơ tên lửa mới và có đường kính lớn hơn so với các tên lửa tiền nhiệm. Tên lửa được thiết kế để mang bên trong khoang chứa vũ khí của những chiếc F-35C của Hải quân Mỹ, đồng thời sử dụng phần mềm và một số thành phần từ các phiên bản trước để giảm chi phí phát triển và sản xuất.