Hải quan số, hải quan thông minh – động lực thúc đẩy phát triển thương mại

Hoạt động thương mại đang gia tăng mạnh qua từng năm. Hàng hóa xuất nhập khẩu tăng tất yếu dẫn đến lượng tờ khai, thủ tục hải quan phải giải quyết mỗi ngày cũng theo đó 'chất chồng'. Biên chế không được mở rộng, trong bối cảnh này, ứng dụng công nghệ là con đường duy nhất để ngành Hải quan xử lý số công việc khổng lồ.

Cải cách, hiện đại hóa hải quan mang lại những lợi ích rõ nét cho doanh nghiệp. Ảnh: Văn Tá.

Cải cách, hiện đại hóa hải quan mang lại những lợi ích rõ nét cho doanh nghiệp. Ảnh: Văn Tá.

Phải áp dụng các hình thức quản lý mới tiên tiến

Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đã làm cho hàng hóa lưu thông giữa các nước ngày càng gia tăng, quan hệ giao lưu kinh tế giữa các nước ngày càng phát triển và trở thành xu thế tất yếu hiện nay.

Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã đàm phán ký kết, tham gia 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Việt Nam - Liên minh Châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này không chỉ cam kết cắt giảm thuế quan sâu rộng mà còn là các hiệp định toàn diện, trải rộng từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ,… đặt ra yêu cầu cơ quan hải quan phải áp dụng các hình thức quản lý mới tiên tiến với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan cho hay, toàn ngành Hải quan đã tập trung nguồn lực để triển khai các nội dung về chuyển đổi số và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tổng cục Hải quan tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt về công tác chuyển đổi số; đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản chỉ đạo, điều hành về kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, tổ chức các cuộc họp chỉ đạo triển khai về chuyển đổi số… Ngoài ra, tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chuyển đổi số, như: xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT); triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06 của Chính phủ); triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Cùng với các nội dung trên, ngành Hải quan cũng đã nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn cho Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT vệ tinh; xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương...

Về mô hình nghiệp vụ tổng thể hải quan số, hải quan thông minh, ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, mục tiêu tổng quát đặt ra trong xây dựng hải quan số, hải quan thông minh là dựa trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh.

Xây dựng hải quan số còn nhằm giúp quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; hoạt động ổn định, tự động hóa cao hơn các hệ thống hiện hành. Đồng thời, khắc phục được các tồn tại bất cập của hệ thống CNTT hiện nay, có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới

Trên cơ sở đó, hải quan số, hải quan thông minh đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; hành lý của hành khách xuất nhập cảnh trên nền tảng số, tích hợp các hệ thống vệ tinh đảm bảo việc thực hiện thủ tục hải quan trên 1 hệ thống duy nhất. Từ đó, tạo cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ để vừa đảm bảo công tác quản lý về hải quan, vừa không gây lãng phí nguồn lực, tạo thuận lợi cho người khai hải quan.

Kết nối dữ liệu với các bên liên quan

Thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản có liên quan. Thực hiện hải quan số, hải quan thông minh cũng là xu thế của Hải quan các nước phát triển và là mục tiêu đặt ra trong tiến trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.

Để nhiệm vụ này được thực hiện hành công, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo toàn ngành Hải quan tiếp tục nghiêm túc quán triệt các văn bản chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số. Đặc biệt là khẩn trương thực hiện hải quan số, hải quan thông minh theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đề ra.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đến quy trình nghiệp vụ gắn với hệ thống CNTT, chuyển đổi số; áp dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cũng như những ưu việt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào xây dựng hệ thống.

Đồng thời, tăng cường kết nối dữ liệu với các bộ ngành, địa phương, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp quản lý một cách tổng thể từng lĩnh vực, từng khu vực, từng địa bàn hải quan. Từ đó, tiến tới kết nối với biên giới thông minh, thực hiện hải quan thông minh với các nước có chung đường biên giới đường bộ cũng như các nước có kim ngạch lớn với Việt Nam thúc đẩy thương mại phát triển, thu hút đầu tư.

Hải quan số nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển hải quan đến năm 2030

Việc xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan nhằm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan đến năm 2025; góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-quan-so-hai-quan-thong-minh-dong-luc-thuc-day-phat-trien-thuong-mai-157361.html