Trong bối cảnh Quân đội Trung Quốc (PLA) đang tập trung vào phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế tàu ngầm chiến lược đầu tiên, được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) JL-3 mới, được lãnh đạo PLA đánh giá rất cao về khả năng răn đe chiến lược.
Tàu ngầm lớp Type 094A, có lượng giãn nước 11.000 tấn và được trang bị 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-3; đây cũng là loại tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Hải quân Trung Quốc được trang bị tên lửa JL-3, và được đưa vào hoạt động vào cuối tháng 4 vừa qua.
Tàu ngầm lớp Type 094A có những cải tiến lớn so với tàu ngầm lớp Type 094 trước đó; các hệ thống động lực và chống ồn của chúng được cho là chìa khóa, cho phép lớp tàu này trang bị các tên lửa liên lục địa mới.
Tên lửa JL-3 là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới của Trung Quốc, tích hợp nhiều công nghệ tương tự của phiên bản ICBM phóng từ đất liền của nó là DF-41. Vụ phóng thử đầu tiên của JL-3 được tiến hành lần đầu vào tháng 10/2019.
JL-3 ước tính có tầm bắn lên tới 14.000 km, một số nguồn tin cho rằng tầm bắn của loại tên lửa này chỉ là 12.000 km và tốc độ tác động của nó là Mach 20, khiến nó khó bị đánh chặn bằng cả những hệ thống phòng không hiện đại nhất. Tên lửa sử dụng công nghệ mang nhiều đầu đạn đa hướng (MIRV), nên càng giảm nguy cơ bị đánh chặn.
Tên lửa JL-3 được thiết kế chủ yếu cho tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Type 096 thế hệ tiếp theo của Trung Quốc; nhưng hiện tại cho đến nay, chưa có chiếc tàu ngầm nào của lớp này được hoàn thiện.
Tuy nhiên sự phát triển của tàu ngầm lớp Type 094A đã cho phép Hải quân PLA bắt đầu trang bị tên lửa JL-3 sớm hơn. Xét đến những hạn chế về hiệu suất của loại tên lửa trước đó JL-2, JL-3 thể hiện sự thay đổi cuộc chơi lớn, đối với khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc và khiến hạm đội tàu ngầm chiến lược của nước này trở nên nguy hiểm hơn nhiều.
Với việc Mỹ và các đồng minh vây quanh Trung Quốc một cách hiệu quả, với các căn cứ trên khắp Đông Bắc Á, các tàu ngầm của Trung Quốc rất dễ bị phát hiện và tiêu diệt nếu có tính huống chiến tranh xảy ra. Đặc biệt là khi Hải quân Trung Quốc cố gắng hoạt động xa bờ biển Trung Quốc, do sự tập trung rất lớn của các phương tiện tác chiến chống tàu ngầm trong khu vực.
Tên lửa JL-2 bị hạn chế bởi tầm bắn; nếu tàu ngầm thực hiện phóng tên lửa từ vùng biển của Trung Quốc, thì chỉ có thể tấn công được 2/3 lãnh thổ Mỹ; nhưng với tàu ngầm JL-3, sẽ có thể tấn công xa hơn đáng kể và vô hiệu hóa các mục tiêu trên đất liền Mỹ.
Việc PLA đưa vào trang bị tên lửa JL-3 và tàu ngầm lớp Type 94A, góp phần bổ sung cho lực lượng tên lửa chiến lược phóng từ mặt đất của nước này, vốn mỏng yếu hơn khi so với lực lượng tên lửa chiến lược hùng hậu của Mỹ và Nga; đồng thời cung cấp cho PLA một phương tiện trả đũa chiến lược mới.
Theo truyền thông Trung Quốc, việc nước này hạ thủy tàu ngầm lớp Type 096, được cho là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chạy êm nhất trên thế giới và có thể được hạ thủy trước năm 2025; điều đó sẽ tăng cường hơn nữa khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc và tạo điều kiện cho việc triển khai ra biển xa hơn, với rủi ro thấp hơn.
Khả năng tàng hình vượt trội của Type 096 sẽ cho phép nó di chuyển từ căn cứ của mình qua các chuỗi đảo, được các lực lượng Mỹ và đồng minh giám sát chặt chẽ, để đến giữa Thái Bình Dương mà không bị phát hiện. Các tàu mới dự kiến mang 24 tên lửa JL-3, gấp đôi hỏa lực của Type 094A.
Trong những năm vừa qua, bất chấp việc Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển các lực lượng hải quân biển xanh (hải quân hoạt động xa bờ), nhưng Hải quân Trung Quốc vẫn tồn tại một số điểm yếu rất khó khắc phục. Một trong số đó là yếu tố rủi ro về mặt địa lý.
Hiện nay các căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc đều bị án ngữ bởi một dải nước nông (màu xám trên ảnh), mà tàu ngầm của họ phải đi qua để tiến ra vùng biển sâu. Để di chuyển từ vùng nước gần Trung Quốc ra biển khơi, tàu ngầm PLA sẽ phải đi qua nhiều điểm nghẽn và eo biển khác nhau trong các chuỗi đảo.
Các quốc gia như Nhật Bản, Australia được trang bị những tàu ngầm điện - diesel, sẽ phát huy tác dụng trong việc phòng thủ chốt điểm, bởi chúng rất yên tĩnh. Khả năng kiểm soát các điểm nghẽn như vậy, là một trong những đóng góp quan trọng nhất của những đồng minh Nhật Bản và Australia trong cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.
Trong khi đó, các tàu ngầm hạt nhân như của Mỹ với trọng lượng lớn, tốc độ cao lại rất thích hợp hoạt động ở đại dương rộng mở, truy đuổi kẻ thù hoặc sẵn sàng phóng tên lửa từ một vị trí không bị phát hiện.
Do vậy việc Trung Quốc có trang bị thêm tàu ngầm hạt nhân mới và tên lửa đạn đạo JL-3 cũng khó thoát khỏi "lời nguyền" về mặt địa lý tự nhiên; tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc vẫn chỉ có thể phóng tên lửa trong vùng biển nước nông gần bờ, tính răn đe giảm đi rõ rệt. Nguồn ảnh: Flickr.
Hải quân Trung Quốc dù mạnh tới đâu cũng rất khó tiến ra được biển lớn do thiếu cảng ở nước ngoài, và thiếu cả kinh nghiệm tác chiến xa bờ dài ngày. Nguồn: Military.
Tiến Minh