'Hái' ra tiền nhờ trồng rau gia vị

Huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) những năm gần đây được biết đến với thế mạnh là vùng trồng hoa lớn của Thủ đô. Song nơi đây còn có 1 xã chuyên trồng rau gia vị là xã Tiến Thắng. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, những cánh đồng trồng rau gia vị đã mang lại nguồn thu ổn định cho người dân nơi đây.

Thu nhập ổn định nhờ trồng rau gia vị

Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng) đã có 3 đời chuyên trồng rau gia vị. "Từ khi còn nhỏ, ông bà, bố, mẹ tôi đã trồng rau gia vị. Lớn lên, lập gia đình, vợ chồng tôi vẫn giữ nghề trồng rau. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng hành lá; những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhà tôi trồng thêm các loại rau khác như: Tía tô, kinh giới, mùi tàu, húng,…", Chị Oanh chia sẻ.

Người dân xã Tiến Thắng thu hoạch rau gia vị.

Người dân xã Tiến Thắng thu hoạch rau gia vị.

Theo chị Oanh, các loại rau gia vị được trồng luân canh gối vụ, cho thu hoạch quanh năm. Rau thu hoạch được lái buôn tới tận nhà thu mua, giá cả cũng khá ổn định. Mặc dù đang làm công nhân, song chị vẫn tranh thủ ngoài giờ hành chính trồng thêm một sào rau gia vị vì chi phí đầu tư trồng rau gia vị thấp (chỉ 300-500 nghìn đồng/sào/năm); nhân công ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định khoảng 30-40 triệu đồng/sào/ năm. Riêng cây kinh giới và cây tía tô, chu kỳ thu hoạch khoảng 20-25 ngày một lứa và thu hoạch liên tục 8-12 tháng.

Còn gia đình ông Nguyễn Công Quý (thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng) cũng có 1ha trồng rau gia vị. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng rau, ông Quý hiểu đặc tính từng mùa, tùy thời tiết mà chọn giống phù hợp cũng như chủ động nước tưới trong mùa khô. Ông Quý cho biết, so với trồng lúa, việc trồng cây rau gia vị vất vả hơn, nhưng cho thu nhập cao hơn rất nhiều. Nhờ trồng rau gia vị, gia đình ông có thu nhập ổn định, nuôi 4 con ăn học trưởng thành.

Không chỉ gia đình chị Oanh, ông Quý, mà hầu hết các hộ trồng rau gia vị ở xã Tiến Thắng đều thực hiện tốt khâu vệ sinh, xử lý sâu bệnh và chăm, sóc rau bằng thuốc vi sinh, đảm bảo thời gian cách ly, an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, rau ở đây đảm bảo chất lượng, được khách hàng tin tưởng.

Ông Nguyễn Công Đinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ, xã Tiến Thắng cho biết: Vùng sản xuất rau gia vị thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng được hình thành cách đây khoảng 20 năm, bắt đầu với cây hành lá, sau dần bà con mở rộng diện tích và phát triển thêm các cây gia vị khác. Đến nay, toàn thôn có 1.300 hộ nông dân tham gia trồng rau gia vị với diện tích khoảng 150ha. Sản phẩm rau gia vị của bà con tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương lái. Giá cả có biến động nhưng thu nhập bình quân từ trồng rau gia vị khá ổn định.

Những năm gần đây, cùng với việc phát triển diện tích rau gia vị, các thành viên HTX cũng chú trọng đảm bảo chất lượng trước khi xuất ra thị trường. "HTX vận động bà con xã viên sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học và luôn tuân thủ thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch", ông Đinh cho hay.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho vùng rau gia vị

Xác định xã Tiến Thắng là vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung, vì vậy huyện Mê Linh đã có những hỗ trợ cho người dân phát triển vùng rau. Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mê Linh đã hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học 70% trong năm đầu, 50% trong năm thứ 2; hỗ trợ thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

Cùng với đó, huyện hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả; hỗ trợ xây dựng mô hình kiểm tra giám sát cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo với quy mô 30ha.

Để rau gia vị của Tiến Thắng có chỗ đứng trên thị trường, các phòng, ban chuyên môn của huyện đã hướng dẫn bà con nông dân xã Tiến Thắng sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Đến nay, đã có 6 sản phẩm gia vị của HTX Bạch Trữ được công nhận OCOP 3 sao gồm: Mùi tàu, kinh giới, húng chó, húng đỏ, tía tô, rau mùi. Đây là tiền đề quan trọng để rau gia vị của xã Tiến Thắng tiếp cận với với các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi bán lẻ cung cấp đến người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.

Ngoài ra, để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm rau gia vị tại xã Tiến Thắng, hàng năm, UBND huyện Mê Linh giới thiệu các HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại của Thành phố, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu do huyện và Thành phố tổ chức. Bên cạnh đó, huyện cũng kết nối HTX với các đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Chia sẻ về định hướng phát triển vùng rau gia vị trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Phan, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: Rau gia vị là cây trồng chủ lực của xã Tiến Thắng, cũng là vùng sản xuất rau chuyên canh của huyện Mê Linh, vì thế huyện sẽ chú trọng phát triển tiềm năng của vùng rau này.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất của các hộ dân, hướng đến 100% sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGap. Cùng đó, hỗ trợ HTX dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm để thuận tiện đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích… đưa sản phẩm rau gia vị của HTX vào các điểm cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hai-ra-tien-nho-trong-rau-gia-vi-158367.html