Hai siêu bảo vật quốc gia 'bạc mệnh' nhất Trung Quốc: Làm từ 3,5 tấn ngọc bích mà bị coi là hũ muối dưa
Quả thực, trong lịch sử của Trung Quốc đã có không ít những bảo vật vô giá bị bỏ quên, bị phá hủy nhầm.
Bởi sau mỗi lần binh biến, chuyện những cổ vật bị lưu lạc và bị người dân không có kiến thức chuyên môn coi là đồ bỏ đi không phải là chuyện hiếm. Chính vì vậy mới có câu chuyện về số phận long đong lận đận của 2 siêu bảo vật quốc gia bị nhầm tưởng là vật dụng hàng ngày dưới đây.
Tác phẩm làm từ 3,5 tấn ngọc bích bị coi là hũ muối dưa
Tác phẩm điêu khắc bằng ngọc khổng lồ này có tên gọi là "Độc Sơn Đại Ngọc Hải". Có thể coi đây là một tác phẩm điêu khắc bằng ngọc ra đời sớm nhất và nặng nhất từ trước tới nay của Trung Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tác phẩm này là sự kế thừa kỹ thuật điêu khắc và trang trí từ triều đại Tống và Tần. Ấy vậy mà, số phận của "Độc Sơn Đại Ngọc Hải" lại khá hẩm hiu.
Theo những ghi chép trong sử sách, "Độc Sơn Đại Ngọc Hải" được chế tác theo lệnh của Hoàng đế Hốt Tất Liệt, thời nhà Nguyên. Ông đã yêu cầu các nghệ nhân dùng 100% ngọc Độc Sơn, vốn là loại ngọc quý giá nhất lúc bấy giờ để hoàn thành tác phẩm.
Nhưng sau khi nhà Nguyên thất thủ, bảo vật này cũng bị bỏ quên. Về sau, "Độc Sơn Đại Ngọc Hải" được chuyển vào đến Chân Vũ ở Bắc Kinh và được các nhà sư dùng để làm vại muối dưa.
Tình cờ, Hoàng đế Càn Long tới thăm đền và ông nhận ra ngay chiếc vại muối dưa kia chính là tác phẩm điêu khắc bằng ngọc bích "Độc Sơn Đại Ngọc Hải" nổi tiếng năm xưa. Ông đã dùng 1.000 lượng vàng để tặng cho các nhà sư và đưa bảo vật này về đặt trong công viên Bắc Hải tại Tử Cấm Thành.
Bảo vật nước Quắc được dùng làm máng cỏ cho ngựa ăn
"Quắc quý tử bạch bàn" vốn là một bảo vật của người nước Quắc thời Thương Chu. Dù được đánh giá là siêu bảo vật cấp quốc gia, nhưng số phận của nó còn hẩm hiu hơn cả "Độc Sơn Đại Ngọc Hải" khi có tới 2 lần bị coi là máng cỏ cho ngựa ăn.
"Quắc quý tử bạch bàn" làm từ đồng thau và được thiết kế theo hình chữ nhật với 4 góc được bo tròn, 4 chân cong, miệng loe rộng và đáy thu nhỏ.
Phía trên 4 mặt đều được gắn hình đầu thú gắn móc tròn, dưới đáy có khắc 111 chữ thư pháp. Có lẽ do thiết kế khá kỳ lạ nên "Quắc quý tử bạch bàn" bị nhầm tưởng là vật dụng cho ngựa ăn.
Sau 2 lần bị đem ra làm vật đựng cỏ, cuối cùng tới năm 1949, bảo vật "Quắc quý tử bạch bàn" mới chính thức được giao nộp cho Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia TQ.
Sau khi được thẩm định, "Quắc quý tử bạch bàn" chính thức được đánh giá là một trong ba hiện vật quan trọng còn lại từ thời Tây Chu. Thậm chí, nó còn là một trong số 64 di vật văn hóa không được phép xuất cảnh trưng bày ở nước ngoài.
Theo Sohu