Hai tấm HCV SEA Games 31 và đoạn kết đẹp cho sự phi thường của Hoàng Quý Phước
Khoảnh khắc vô cùng đẹp sau khi đội bơi Việt Nam phá kỷ SEA Games 31 và giành HCV là Schooling ôm Hoàng Quý Phước.
Không còn là màu vàng nhờ đối thủ phạm quy, 4 kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Hữu Kim Sơn và Trần Hưng Nguyên đã đánh bại Schooling và đội bơi Singapore để giành tấm HCV ở nội dung 4x200m tự do, đồng thời phá kỷ lục SEA Games.
Đội của Schooling đã thua Việt Nam tâm phục khẩu phục. Trong thời khắc Hoàng Quý Phước đang vui mừng thì nhà vô địch Olympic 2016 - Schooling đến ôm anh để chúc mừng chiến thắng. Một cái ôm của hai đối thủ từng đối đầu cách đây 11 năm, và khả năng lớn giã từ đường bơi khu vực sau SEA Games 31.
Schooling từng thua Hoàng Quý Phước ở SEA Games năm 2011 ở nội dung 100 m bướm. Đó là lần đầu tiên siêu kình ngư Singapore thi đấu SEA Games. Nhưng 5 năm sau, Schooling giành HCV Olympic 2016 ở nội dung 100 m bướm, anh thắng Michael Phelps và thiết lập kỷ lục Olympic.
SEA Games năm 2011 thực sự ngọt ngào với Hoàng Quý Phước khi giành 2 HCV, trong đó có HCV 100 m bướm làm dậy sóng cả Đông Nam Á. Nhiều người đã gọi Phước là “Michael Phelps của Việt Nam”. Nhưng sự nghiệp của Phước không chỉ có vinh quang mà trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí từng bị ví là “rái cá mắc cạn”.
Tuổi 14, Hoàng Quý Phước giành HCV 100 m tự do với kỷ lục 53,05 giây ở giải vô địch quốc gia năm 2008. Chàng trai vô danh trở thành ngôi sao làng bơi Việt Nam chỉ sau 1 đêm. Thể hình đẹp, sải tay dày và nhiều thông số ấn tượng, Hoàng Quý Phước được đánh giá là kỳ tài xuất chúng hiếm có của bơi Việt Nam.
Sau đó, Hoàng Quý Phước bắt đầu nhận được sự đầu tư đặc biệt. Nhưng những chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài đã khiến cho “rái cá sông Hàn” từ niềm hy vọng đến nỗi tiếc nuối. Dư luận có những thông tin đồn đoán là anh “mắc bệnh ngôi sao”…
Từ năm 2015, Hoàng Quý Phước không còn có HCV ở SEA Games. Đó là nghịch lý nếu nhìn sang Schooling giành HCV Olympic 2016. Không hề thua kém so với Schooling, thậm chí từng thắng đối thủ nhưng Hoàng Quý Phước thụt lùi trong sự tiếc nuối lớn.
6 năm gần như chìm vào quên lãng và hào quang không còn rực sáng, Hoàng Quý Phước vẫn không bỏ cuộc. Anh luôn sống trọn với đam mê khi xem đường đua xanh là đường đời. Đó là nghị lực phi thường của Phước, bởi nhiều VĐV sẽ giã từ sự nghiệp khi chịu quá nhiều áp lực và vinh quang cứ như nắng ấm xa dần.
Trước SEA Games 31, Hoàng Quý Phước bày tỏ ước mơ một lần được đứng trên bục vinh quang, nhất là kỳ đại hội được tổ chức tại Việt Nam. Quý Phước phải xa nhà tập huấn ngay trước ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần. Anh sợ mẹ nhớ con trai nên mua một chậu mai vàng như món quà Tết cho mẹ. Vì các anh chị em đều ở riêng, nhà chỉ còn Hoàng Quý Phước và mẹ già gần 70 tuổi.
Hoàng Quý Phước chia tay mẹ mang theo hoài bão lần cuối cùng ở SEA Games. Anh muốn thể hiện tốt nhất, giống như “cháy hết mình” để giành vinh quang về cho Việt Nam.
Nhìn lại một chặng đường dài đầy thăng trầm để thấy rằng, Hoàng Quý Phước giành 2 tấm HCV ở SEA Games 31 thực sự đầy ý nghĩa. Dù là HCV đồng đội nhưng để lại đoạn kết đẹp cho thần đồng một thời vang bóng của bơi Việt Nam, là món quà ý nghĩa để anh tặng mẹ sau nhiều tháng xa nhà.