Hai thái cực trái ngược trong chính sách đối ngoại của ông Trump và bà Harris

Dù cùng có các mối quan tâm địa chính trí giống nhau, nhưng chính sách đối ngoại của ông Trump và bà Harris lại hoàn toàn đối lập.

Theo Asia Times, chính sách ngoại giao là một trong những chủ đề được cử tri Mỹ đặc biệt quan tâm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Dù cả hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đều phải tập trung vào các điểm nóng tại châu Âu, Trung Đông và châu Á, nhưng quan điểm đối ngoại của họ lại hoàn toàn trái ngược.

Donald Trump: Người mở đầu cho sự gián đoạn

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã thể hiện rõ quan điểm "Nước Mỹ trên hết" trong chính sách đối ngoại, khi chương trình nghị sự của ông thường ưu tiên các vấn đề trong nước hơn là các vấn đề toàn cầu hay khu vực.

Khác với các tổng thống tiền nhiệm, ông Trump sẵn sàng "bẻ gãy" các thỏa thuận quốc tế, đơn cử là việc nới lỏng trừng phạt để đạt được các hạn chế trong chương trình hạt nhân của Iran.

Đáng chú ý, quan hệ giữa Washington và NATO đã trở nên vô cùng căng thẳng dưới thời ông Trump, và cựu Tổng thống Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm này trong cuộc bầu cử năm nay. Ông Trump từng dọa rút Mỹ khỏi NATO, công kích các thành viên liên minh không đạt mức chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP như cam kết, thậm chí úp mở về việc ngừng viện trợ cho Ukraine.

Quan hệ giữa chính quyền ông Trump với EU cũng không mấy êm đẹp, khi ứng viên Cộng hòa đã áp thuế thép và nhôm đối với liên minh châu Âu vào năm 2018.

Ông Trump và bà Harris có chính sách đối ngoại hoàn toàn trái ngược. Ảnh: SBS News

Ông Trump và bà Harris có chính sách đối ngoại hoàn toàn trái ngược. Ảnh: SBS News

Ở châu Á, ông Trump đã từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017. Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump cũng coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", thể hiện rõ việc Washington muốn kiềm chế hơn là hợp tác với Bắc Kinh.

Thái độ của ông Trump khi ấy đã dẫn tới một cuộc chiến thương mại dai dẳng, và càng trở nên tồi tệ hơn khi cựu Tổng thống có những phát biểu "khó nghe" khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tại Trung Đông, ông Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan và rút quân khỏi miền bắc Syria.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn gây sức ép lên Iran thông qua vụ ám sát Tướng Soleimani vào năm 2020, đồng thời giúp bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và các quốc gia ẢRập thông qua Hiệp định Abraham.

Kamala Harris: Người giữ vững các liên minh và cam kết

Trong thời gian làm Phó Tổng thống, bà Harris không phải là người đưa ra quyết định trực tiếp về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ứng viên Dân chủ vẫn là thành viên của chính quyền Mỹ đã cam kết sẽ hàn gắn các liên minh và giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden và bà Harris vẫn duy trì quan điểm cạnh tranh với Trung Quốc, thậm chí còn xoáy sâu vào ngành công nghiệp xe điện. Washington cũng mở rộng các nền tảng ngoại giao ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để làm giảm tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, đơn cử là các thỏa thuận Quad và Aukus.

Tại Trung Đông, chính quyền đương nhiệm đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào mùa hè năm 2021, đồng thời chấp nhận mục tiêu và tận dụng nền tảng của Hiệp định Abraham.

Tuy vậy, cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 đã làm mọi thứ thay đổi. Ông Biden và bà Harris đã làm nhiều cách để cân bằng giữa sự hỗ trợ quân sự dành cho Tel Aviv với các nỗ lực hòa giải, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả.

Mặt khác, chính sách của Mỹ ở châu Âu lại có sự thay đổi rõ rệt trong vòng 4 năm qua. Chính quyền Biden - Harris thường xuyên tái khẳng định cam kết rõ ràng đối với NATO. Khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, Mỹ cũng là quốc gia đi đầu trong việc viện trợ.

Về phía bà Harris, Phó Tổng thống gợi ý rằng chính quyền của bà sẽ tiếp nối chính sách ngoại giao của ông Biden, bao gồm việc hỗ trợ cho Ukraine và áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga.

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hai-thai-cuc-trai-nguoc-trong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-ong-trump-va-ba-harris-2338530.html