Hai thập kỷ âm thầm

Ban đầu người nông dân miền Tây bị nạn 'được mùa rớt giá' làm cho lên bờ xuống ruộng. Mảnh đất ngày xưa chín tháng một vụ từ gieo mạ đến gặt đập ra lúa hột, nay ba vụ mỗi năm, hỏi sao lúa chẳng ngốt lên?

Các vị cầm trịch lĩnh vực thu mua tìm mãi vẫn thua nước người ở thị trường đầu ra. Thế là nông dân khóc ròng, chỉ khâu trung gian là vung vinh no ấm vung vinh đi lại khắp nơi trong ngoài. Hay như cây mía, ai trồng cứ trồng ai nhập đường cứ nhập, trống cứ đánh xuôi kèn cứ thổi ngược, chỉ có nhà nông dễ phát khùng, đốt đốt đốt. Đốt ở đây là đốt mía chứ đâu có đốt ai. Hoặc như diêm dân, xứ mình mà dùng muối nhập khẩu thì mấy ngàn cây số bờ biển để làm chi. Các ngài quản lý đâu cần biết, nhập khẩu nhanh ăn, thế thôi.

Chưa an dân thì đã “Công nghiệp hóa hiện đại hóa”, nói nôm ở thời điểm đó là lao động giá rẻ dụ khị các doanh nghiệp nước ngoài xách valy đến đầu tư. Đúng, dân đông, dân đang tuổi lao động nhiều vô kể, dân miền Tây đang thối chí, đàn ông con trai đang nhậu để giết thời giờ, đàn bà con gái đã tỏa đi lấy chồng Đài chồng Hàn hoặc đi làm Ô-sin, tệ nữa, đi “làm con ca-ve rán” như cách nói kháy của những người sử dụng họ hoặc lên mặt đạo đức với họ!

Trong khi đó, các nhà vĩ mô nhìn quanh quất, Trung Quốc đã đô thị hóa từ lâu rồi, khối Asean ư, coi chừng mình luôn phải thấy cái lưng của họ, áp chót rồi đó nha. Khát vọng có lỗi không, lịch sử đang để mở cái mục Phán xét, e rằng toàn cầu hóa bằng chạy đua công nghiệp là bài toán hỗn của loài người. Bởi vì công nghiệp là tàn phá môi trường, là trái tự nhiên, là bê tông hóa, là cuộc sống oi ngột và bao nhiêu hệ lụy kèm theo!

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Tiếng tăm đập Tam Hiệp và một chuỗi đập của họ trên thượng nguồn Mê Kông đến tai dân chúng miền Tây nghe xa xôi như cóc với trời, có mà kiện được trời! Đúng, ai vào đây kiện cáo được họ? Giành đất, rõ, giành biển có không, có luôn, giờ giành nguồn nước nữa. Đập cao và to nhất thế giới, ấy là cách nói làm như họ chỉ có chạy theo kỷ lục, thật mơ hồ nếu nghĩ vậy.

Thế là hạn mặn, mỗi năm mỗi đổ xuống đầu người dân cuối nguồn hiền lành, thua thiệt, bất lực. Thế là họ âm thầm treo ruộng, treo vườn, treo ao, treo rẫy đi tìm đất. Nhậu mãi cũng hư người, con gái đi “làm ăn” tai tiếng rồi cũng phải lập gia đình và trở về. Người bỏ đi trước khấm khá, hàng xóm thấy vậy đu theo, khá thiệt. Mà họ đi đâu?

Họ lên cao nguyên. Đăk Nông, Lâm Đồng. Gặp ở Đăk Nông dân “thứ dữ”, nghĩa là những người ở dải gió Lào kinh hãi hễ đi là là đi hết, dứt khoát, cả họ hàng. Xa ngái, giáp biên, bạt rừng, đào gốc, để trơ ra màu ba-zan mê hồn, mầu mỡ. Những người này quen ăn sóng nói gió, làm chí chết, lóp ngóp dần lên, từ một héc (hec-ta), rồi thì sẽ là năm héc, mười héc.

Dân miền Tây không kham nổi làm và sống kiểu này, tụ nhau ở Bình Dương làm thợ và ai làm nông, lặng lẽ nháy nhau lên Lâm Đồng. Khí hậu bắt đầu từ Bảo Lộc trở lên là thiên đường để sống và, vẫn màu ba-zan hấp dẫn những ai ham đất.

Máu làm chủ của dân miền Tây một lần nữa thôi thúc họ. Vay nợ mua đất để làm điền trang. Được không? Sao không được? Làm nông mà suốt ngày không đổ mồ hôi, nhất trần đời còn kêu ca gì nữa? Gặp ở đây những người trẻ của đồng bằng sông Hồng. Họ khác với người Nghệ Tĩnh thích lực bạt khai khẩn, họ mềm như nước và len lỏi như nước. Họ bắt đầu làm công cho những ông chủ miền Tây ưa làm ăn lớn.

Hai vợ chồng trẻ, nhà trọ, làm công nhật, cơm trưa chủ rẫy lo, tối về nước rau luộc cũng thấy đủ, trên đường về còn dán mắt tìm những đống phân ngựa phân bò đưa về để thành vựa rồi ủ bán thứ phân vi sinh tự nhiên này cho chủ rẫy. Xin đừng xem thường, không ăn nhậu, năm ba năm đã mua được vài ngàn m2, rồi mười năm thì sẽ là chủ đất, nhỏ gọn nhưng là của chính mình, ngôi nhà sơn cước xinh xinh, hai quả tim vàng, bốn đôi tay cần cù khôn tả.

Vậy đó. Dịch chuyển âm thầm. Không thành một làn sóng gì cả. Túc tắc kéo nhau đi. Bảo sao Đà Lạt không còn như trước. Vì sao mọi thứ không còn như trước mà giữ được Đà Lạt như trước? Tiếng chuông nhà thờ vẫn âm vang neo con người trong cuộc sống khoan thai, lành mạnh. Nhưng vì cớ làm sao những rừng thông lão bị đầu độc? Vì là áp lực di dân, có cầu ắt có cung. Người tụ về ngày mỗi đông đúc, toàn nhà nông ham đất, vậy nên sẽ có kẻ lén làm trống đất để bán lại. Chính quyền các cấp không thể vô can!

Đà Lạt thời thuộc Pháp là nơi nghỉ dưỡng của người Pháp và người Việt giàu có. Nay hai đối tượng đó không còn, chỉ một biển nông dân tứ bề tìm đất sống. Có lẽ đành vậy, chăng? Thế giới đang đổ vỡ vì toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, đang hô hào sống xanh sống sạch, sống tiết kiệm hài hòa. Bi kịch chung và bi kịch nước nhỏ và bi kịch tiểu vùng, bi kịch từng giai tầng từng số phận, không có lối ra.

Dạ Ngân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hai-thap-ky-am-tham-25006.html