Trung tâm chỉ huy cứu hộ Đài Loan cho biết hai chiến đấu cơ F-5E đã lao xuống ngoài khơi bờ biển phía nam đảo Đài Loan. Hai máy bay này đang bay huấn luyện định kỳ thì va chạm với nhau dẫn đến tai nạn.
Được biết hai F-5E đã rơi ngoài rơi ngoài khơi phía đông huyện Bình Đông sau khi va chạm, một phi công họ Phan, 28 tuổi, được tìm thấy trong tình trạng thương nặng và anh nhanh chóng được đưa vào bệnh viện.
Tuy nhiên, nỗ lực hồi sức cấp cứu người này không thành công và phi công được xác nhận tử vong tại bệnh viện.
Trong khi đó viên phi công họ La, 26 tuổi của chiếc còn lại vẫn chưa rõ tung tích. Công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn đang diễn ra.
Giới chức đảo Đài Loan đã điều động một máy bay trực thăng của lực lượng không quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu cứu hộ khác để tìm kiếm phi công gặp nạn.
Một ghế phóng thoát hiểm được tìm thấy ở bờ biển gần nơi phát hiện phi công họ Phan.
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết có tổng cộng 4 tiêm kích F-5E cất cánh từ căn cứ không quân phía đông Đài Đông lúc 12h30 để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Tuy nhiên, hai trong số 4 tiêm kích đã biến mất khỏi màn hình radar vào 15h06.
Hồi tháng 10 năm ngoái, một chiếm tiêm kích F-5E của Đài Loan cũng lao xuống biển sau khi gặp trục trặc động cơ, phi công phóng ghế thoát hiểm nhưng thiệt mạng vì bị thương nặng.
Tới tháng 12, một chiếc tiêm kích F-16 cũng rơi sau khi cất cánh tham gia huấn luyện bay đêm, khiến phi công thiệt mạng.
Hãng thông tấn đảo Đài Loan cho biết lực lượng phòng không hòn đảo đã ra lệnh dừng bay toàn bộ phi đội F-5. Vụ tai nạn xảy ra trong bối cảnh lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan chịu sức ép ngày càng tăng từ các máy bay của Trung Quốc.
Họ phải xuất kích liên tục để ngăn chặn các máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo.
Các vụ tai nạn làm dấy lên lo ngại về huấn luyện và bảo dưỡng các máy bay, đồng thời cũng cho thấy áp lực mà lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan phải chịu từ không quân Trung Quốc.
Tiêm kích F-5E được Mỹ chuyển giao cho đảo Đài Loan vào những năm 1970. Phần lớn chiến đấu cơ này đã được rút khỏi tiền tuyến, nhưng vẫn được sử dụng cho nhiệm vụ huấn luyện và dự bị cho phi đội chiến đấu chính.
Máy bay tiêm kích F-5E Tiger II là thế hệ hai của dòng tiêm kích hạng nhẹ F-5 do công ty Northrop sản xuất vào đầu những năm 1970 nhằm giành hợp đồng Máy bay tiêm kích quốc tế (IFA) mà chính quyền Mỹ đưa ra lúc đó.
F-5E Tiger II là đối thủ của tiêm kích MiG-21, loại tiêm kích hạng nhẹ này của Mỹ này được chính các chuyên gia Liên xô đánh giá cao khi nhận được một số chiếc từ Việt Nam chuyển giao sau chiến tranh.
Đại tá Vladimir Kandaurov, một trong ba phi công thử nghiệm lái chiếc F-5E khi vừa tiếp xúc với máy bay đã cực kỳ ấn tượng với thiết kế buồng lái của chiến đấu cơ này. Ông đánh giá nó tốt ở khả năng thân thiện với phi công, có cả bàn đạp phanh, trong khi máy bay Liên Xô lại không có tiện ích này lúc đó.
Chuyên gia Liên Xô qua nghiên cứu thử nghiệm cũng đánh giá rằng, trong cận chiến quần vòng, F-5E Tiger II giành được nhiều thắng lợi hơn trước MiG-21 bởi sự cơ động dễ dàng của một máy bay nhỏ nhẹ, với thiết kế khí động học tốt, hệ thống điều khiển ngắm bắn hiệu quả.
F-5E có phi hành đoàn một người, chiều dài của máy bay là 14,4m, sải cánh 8,13m, chiều cao 4,08m.
F-5E có trọng lượng rỗng 4.349kg, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 11.187kg. Máy bay được trang bị hai động cơ J85-GE-21B có lực đẩy khô 15,5kN, khi đốt tăng lực lần hai là 22,2kN.
Với hai động cơ này giúp F-5E đạt tốc độ bay 1.700km/h, tầm bay 3.720km, bán kính chiến đấu 1.405km. Tổng số vũ khí mang theo lên tới 3.200kg. Dù ra đời đã lâu, nhưng F-5E vẫn còn đang phục vụ trong biên chế gần 20 quốc gia trên thế giới.
Việt Hùng