Hai tiêu chí để doanh nghiệp xã hội thu hút nhà đầu tư
Giống như tất cả các start-up, khởi nghiệp với mô hình kinh doanh giải quyết các vấn đề xã hội trước tiên cũng cần phải trả lời câu hỏi: làm thế nào để nhà đầu tư muốn rót vốn.
Sôi động mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội
Trở thành hiện tượng nhờ phương thức marketing “truyền miệng”, Nhà hàng Bóng tối (Noir) tại TP.HCM với khoảng một nửa số nhân viên là những người khiếm thị, khiếm thính đã mang về doanh thu 1,1 triệu USD và lợi nhuận gần 300.000 USD (tương đương 7 tỷ đồng) trong năm 2018. Dự kiến, mức doanh thu này sẽ tăng lên 1,3 triệu USD trong 2019.
Trên thực tế, khi rót vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội (doanh nghiệp xã hội), điều lo ngại nhất của nhà đầu tư là không biết khi nào mới thu hồi được khoản vốn, chứ chưa nói đến việc sinh lời.
Noir là một trong số ít doanh nghiệp xã hội vừa mang lại giá trị cho cộng đồng, vừa đạt lợi nhuận khá cao. Lý do để Germ Doornbos (đến từ Hà Lan) và Vũ Anh Tú thành lập Nhà hàng Noir vào năm 2014 vì tại Việt Nam, có hơn 90% người khiếm thị và hơn 65% người khiếm thính thất nghiệp. Hai nhà đồng sáng lập này muốn tạo ra một thế giới mà ở đó, người khuyết tật được đối xử bình đẳng.
Bởi thế, mỗi thực khách đến với Noir được đặt mình vào vị trí của người khiếm thị. Họ sẽ không nhìn thấy gì trong bóng tối và được những nhân viên khiếm thị hướng dẫn thưởng thức món ăn. Khi ăn trong một không gian như vậy, thực khách sẽ cảm nhận món ăn bằng vị giác và khứu giác nhiều hơn.
Từ thành công bước đầu của Noir, mới đây, nhóm sáng lập của start-up này còn muốn gọi vốn cho mô hình kinh doanh “Blind massage and spa” (massage và spa người mù).
Ngoài Noir, ở Việt Nam còn có khá nhiều start-up hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Điển hình như Puritrak với sản phẩm máy lọc không khí; CentralNest giải quyết vấn đề lãng phí trong ngành dịch vụ, tiết kiệm năng lượng thông qua nền tảng lưu trú dành cho người đi công tác, biến căn hộ bình thường thành những căn hộ phục vụ năng động và sáng tạo; Ybox phát triển nền tảng chia sẻ thông tin về công việc, kỹ năng, cơ hội cho giới trẻ, giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu định hướng nghề nghiệp; Journey of the Senses (JOS) là nhóm các nhà hàng cao cấp và dịch vụ sáng tạo cung cấp bởi những người khuyết tật...
“Có sự khác biệt giữa kinh doanh đơn thuần và kinh doanh tạo tác động xã hội”, Vũ Anh Tú, đồng sáng lập, Giám đốc Noir chia sẻ. Vậy nên, trong quá trình kinh doanh, Noir luôn điều chỉnh mô hình sao cho phù hợp, nhằm tạo ra tác động tích cực cho những đối tượng yếu thế, kém may mắn trong xã hội.
“Tôi hy vọng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động tại Việt Nam”, Tú bày tỏ.
Mang giá trị cho cộng đồng và tạo ra lợi nhuận
Bà Phạm Kiều Oanh, sáng lập, kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết, đã có những nhà đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp xã hội đến Việt Nam 7 năm trước, nhưng họ chỉ tìm được rất ít doanh nghiệp để đầu tư. Ở thời điểm đó, CSIP đã nhìn thấy rõ khoảng cách giữa một bên có nguồn vốn và bên còn lại thiếu năng lực, mô hình kinh doanh phù hợp để tiếp nhận nguồn vốn.
Việt Nam là thị trường tiềm năng cho đầu tư tác động xã hội, nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính.
Báo cáo Tổng quan về tình hình đầu tư tác động khu vực Đông Nam Á (2018) do Mạng lưới Đầu tư tác động toàn cầu (GIIN) công bố, đầu tư tác động tại Việt Nam đã có những bước tiến lớn kể từ năm 2007. Trong hơn 10 năm qua, 23 gói đầu tư tác động trị giá 25 triệu USD đến từ các nhà đầu tư tư nhân và 50 gói đầu tư tác động trị giá 1,4 tỷ USD đến từ các tổ chức phát triển tài chính đã được triển khai tại Việt Nam.
Điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho đầu tư tác động xã hội, song các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính. Câu hỏi làm thế nào để các quỹ đầu tư rót vốn phải được các nhà sáng lập trả lời đầu tiên.
Bà Caitlin Winsen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, khởi nghiệp với lĩnh vực kinh doanh giải quyết các vấn đề xã hội không nên bắt đầu với một giải pháp dựa trên yếu tố thị trường, mà cần xem xét, yếu tố xã hội có đủ lớn hay không.
Theo đó, ở góc độ nhà đầu tư, một doanh nghiệp xã hội cần đảm bảo 2 tiêu chí: mang lại giá trị cho cộng đồng và tạo ra lợi nhuận. Có nghĩa là, để tạo ra lợi nhuận, cần nhân rộng mô hình, mà muốn nhân rộng được, thì cần ý tưởng và tư duy hoàn toàn mới. Đó là cách duy nhất để doanh nghiệp xã hội có thể “sống” và được nhà đầu tư để mắt đến.