Hai tình huống pháp lý trong vụ cảnh sát giao thông bị xe đâm tử vong

Liên quan đến vụ việc một trung tá cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Khánh Hòa bị một thanh niên đâm xe dẫn đến tử vong, luật sư đã chỉ ra hai tình huống pháp lý cho vụ việc.

Chiếc xe máy đã đâm vào trung tá Phan Trần Anh Phương. Ảnh: D.V

Chiếc xe máy đã đâm vào trung tá Phan Trần Anh Phương. Ảnh: D.V

Đâm xe vào cảnh sát giao thông

Ngày 27/5, khoảng 11h30, tổ công tác gồm 3 cán bộ của Trạm CSGT Ninh Hòa thuộc Phòng CSGT CA tỉnh Khánh Hòa đo tốc độ ôtô chạy từ hướng Bắc vào Nam, tại đoạn đường gần xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa. Trong lúc tổ công tác đang làm nhiệm vụ, Cao Nhật Trường (SN 2002), chạy xe máy từ hướng Bắc đến không làm chủ được tốc độ đã tông vào trung tá Phan Trần Anh Phương (SN 1984).

Cú tông mạnh làm cả hai ngã xuống đường. Trung tá Phương được đưa đến bệnh viện tại địa phương điều trị, sau đó chuyển tiếp vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, do vết thương nặng nên nam cảnh sát không qua khỏi lúc 14h30 cùng ngày. Trường bị thương ở vai trái, được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ninh Hòa. Test nhanh nồng độ cồn và ma túy với nam thanh niên đều cho kết quả âm tính.

Nhận định từ luật sư

Trường hợp này, với hành vi điều khiển phương tiện gây hậu quả chết người, Trường có thể bị áp dụng chế tài ra sao theo quy định của pháp luật? Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đây là sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, làm một chiến sĩ tử vong. Từ những thông tin hiện có, luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, vụ việc đã có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra sẽ sớm có các biện pháp tố tụng nhằm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, có thể sẽ có 2 tình huống pháp lý có thể xảy ra với Cao Nhật Trường.

Trường lái xe với tốc độ cao, khi phát hiện CSGT thì có thể đã hoảng sợ, mất bình tĩnh, dẫn tới mất kiểm soát phương tiện và lao xe vào cán bộ CSGT. “Nếu rơi vào tình huống này, lỗi của nam thanh niên là lỗi vô ý, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đây là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và có thể bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.

Cụ thể, khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác, trong đó có trường hợp làm chết người thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, nếu hành vi của Trường thuộc trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông, khung hình phạt có thể áp dụng là 3-10 năm tù. Trường hợp thứ 2, nếu Trường đang điều khiển phương tiện với tốc độ cao thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe nhưng không chấp hành mà tăng ga, lao xe thẳng vào cán bộ CSGT dẫn tới hậu quả chết người, thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

"Theo pháp luật dân sự, xe máy được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Một người trưởng thành, có đầy đủ nhận thức cần và phải hiểu rằng, việc lao xe vào người khác ở tốc độ cao là hành vi rất nguy hiểm, có khả năng lập tức tước đoạt tính mạng của người khác. Do đó, nếu tình huống này xảy ra, bất kể nam thanh niên có chủ đích tước đoạt mạng sống của trung tá Phương hay không, đây vẫn là hành vi có dấu hiệu của tội “Giết người”" - luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.

Nếu bị quy kết hành vi phạm tội về tội danh này, với tình tiết định khung phạm tội với người đang thi hành công vụ, khung hình phạt có thể áp dụng là 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, Cao Nhật Trường còn phải bồi thường thiệt hại theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; hiệt hại khác do luật quy định…

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hai-tinh-huong-phap-ly-trong-vu-canh-sat-giao-thong-bi-xe-dam-tu-vong-383380.html