Hai tuyến cáp quang biển qua Việt Nam đang cùng gặp sự cố

Hiện nay, hai tuyến cáp biển APG và IA đang cùng gặp sự cố làm ảnh hưởng kết nối internet Việt Nam đi quốc tế.

Theo đó, tuyến cáp quang biển quốc tế IA (Liên Á) gặp sự cố mới từ ngày 26/12/2024 trên nhánh S1 giữa phân đoạn từ Việt Nam đi Singapore, làm mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet Việt Nam với Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Hiện chưa có thông tin về phương án, thời gian sửa chữa sự cố này.

Trước đó, từ ngày 29/11/2024, tuyến cáp biển APG (châu Á - Thái Bình Dương) bị lỗi trên 2 nhánh gồm S1.9 kết nối vào Malaysia và S8 kết nối với Thái Lan.Với các lỗi trên tuyến cáp biển APG, dự kiến sự cố trên nhánh S8 sẽ được khắc phục từ ngày 6/1 đến ngày 10/1. Tuy nhiên, sự cố trên nhánh S1.9 hiện vẫn chưa có thời gian khắc phục.

Tháng 5/2024, tuyến cáp quang biển AAE-1 đã gặp trục trặc ở hai nhánh S1H5 hướng kết nối đi Singapore và S1H3 nằm giữa trạm cập bờ Cambodia với Việt Nam. Đến ngày 31/12/2024, việc cấu hình lại nguồn sau sửa chữa nhánh S1H5 của tuyến cáp quang biển AAE1 đã hoàn thành, kết nối Internet quốc tế đi Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore trên tuyến đã khôi phục.

Hiện tại,Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế, bao gồm AAG (châu Á - Mỹ); APG (châu Á - Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu). Năm tuyến cáp quang biển quốc tế có tổng dung lượng sử dụng hơn 20 Tbps, tổng dung lượng khả dụng 34 Tbps.

Cả 5 tuyến cáp biển này đều kết nối ra phía Đông qua Biển Đông, từ 6 trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng, Vũng Tàu và Quy Nhơn.

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam đang sử dụng gặp khoảng 15 sự cố. Giai đoạn trước năm 2022, thời gian sửa chữa cáp biển kéo dài từ 1 - 2 tháng/sự cố. Từ năm 2022 đến nay, thời gian khắc phục sự cố cáp biển đã kéo dài hơn.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-tuyen-cap-quang-bien-qua-viet-nam-dang-cung-gap-su-co-d238223.html