Hai vùng nào không được phát triển điện mặt trời mái nhà 'tự sản, tự tiêu'?

Bộ Công Thương muốn đề xuất chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà 'tự sản, tự tiêu' áp dụng cho cả vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên thẩm quyền quyết định vấn đề này thuộc Quốc hội.

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ không được định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo.

Vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ không được định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý, một trong những vấn đề tại dự thảo mà Bộ Công Thương muốn xin ý kiến là vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ nêu tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không được định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo như định hướng các vùng còn lại trên cả nước.

Bộ Công Thương muốn đề xuất chính sách áp dụng cho cả vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên thẩm quyền quyết định vấn đề này thuộc Quốc hội.

Để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình xây dựng, ban hành nghị định (không vi phạm điều cấm của Luật Quy hoạch nêu tại khoản 6 Điều 13 thực hiện không đúng quy định đã được quyết định hoặc phê duyệt), Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Công Thương, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được xác định để sử dụng tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Giải pháp lựa chọn là cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu của cơ quan, tổ chức, người dân được liên kết với hệ thống điện quốc gia, để tự sử dụng nhưng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, Luật Điện lực chưa có quy định về điện tự sản, tự tiêu; loại hình này có được đấu nối hay liên kết với hệ thống điện quốc gia hay không; tự sản, tự tiêu không bán điện vào hệ thống điện quốc gia nhưng có được bán điện cho tổ chức cá nhân khác hay không.

Thẩm quyền quyết định vấn đề này thuộc Quốc hội (hiện Luật Điện lực chưa quy định về nguồn điện tự sản, tự tiêu), do đó các nội dung này Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền.

Đáng chú ý, tại dự thảo, Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà không nối lưới quốc gia sẽ không giới hạn phát triển. Còn trường hợp nối lưới thì không được vượt quá công suất phân bổ trong Quy hoạch điện VIII (2.600 MW). Cụm từ "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán" đã bị loại bỏ, thay bằng "không mua bán dưới mọi hình thức".

Theo Bộ Công Thương, chính sách không "mặn mà" với mua bán điện mặt trời bởi nguồn điện này không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết. Trong khi đó, Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đảm bảo cung ứng điện. Khi không có nắng, họ buộc phải huy động một hoặc hai tổ máy nhiệt điện khác để bù vào.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/hai-vung-nao-khong-duoc-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-tu-san-tu-tieu-1100312.html