Hai xét nghiệm giúp tìm ra sự lây nhiễm COVID-19
SARS-CoV-2 đã được chứng minh là có khả năng 'tàng hình' cực kỳ cao khi nó lây lan mà không hề bộc lộ bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Song mầm bệnh thì không thể vô hình được.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đang triển khai 2 xét nghiệm khác biệt để tìm ra cách lây lan COVID-19. Một xét nghiệm nhằm phát hiện sự hoạt động của hiện tượng lây nhiễm, một xét nghiệm khác cho thấy các tín hiệu của virus đã rời khỏi cơ thể.
Xét nghiệm gạc virus để phát hiện SARS-CoV-2
Xét nghiệm đầu tiên sẽ phát hiện một triệu chứng nhiễm virus hoạt động bằng cách nghiên cứu vật liệu di truyền SARS-CoV-2 trong đường thở của bệnh nhân, nơi thường tìm thấy virus. BS. Jasmine Marcelin (chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y khoa của Đại học Nebraska - Mỹ) giải thích: Xét nghiệm này sẽ đạt được 2 mục đích là chẩn đoán bệnh để xác định cách thức điều trị, quản lý và cảnh báo cho người có nguy cơ phát tán COVID-19 cho những người khác.
Để tiến hành xét nghiệm này, đầu tiên các nhà nghiên cứu sẽ đưa một miếng gạc dài, mảnh vào sâu trong mũi để thu thập dịch mũi và các tế bào từ vòm họng. Tiếp đến sẽ trích xuất thông tin di truyền virus từ đuôi miếng gạc nhằm chuẩn bị cho một chuỗi phản ứng sao chép ngược Polymerase (RT-PCR) - một kỹ thuật được các phòng thí nghiệm sử dụng nhằm khuếch đại số lượng nhỏ ADN.
SARS-CoV-2 lưu trữ thông tin di truyền của nó trong RNA, vì thế bộ gene của nó đầu tiên phải được phiên mã thành ADN. Xét nghiệm sẽ tìm ra các đoạn của bộ gene SARS-CoV-2 bằng cách dùng các đầu dò nhỏ xíu gắn kết với phiên bản ADN của vật liệu di truyền của virus. Được xây dựng trong quy trình sao chép là thuốc nhuộm huỳnh quang, sẽ sáng lên khi nó liên kết với ADN. Nếu phản ứng hóa học sáng lên sau vài chục chu kỳ, xét nghiệm được cho là dương tính đồng nghĩa bệnh nhân chắc chắn đã nhiễm SARS-CoV-2.
Ông Alexander McAdam, Giám đốc phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện nhi đồng Boston cho rằng: Trong khi 1 số xét nghiệm khá chính xác trong cơ sở phòng thí nghiệm, thì nó cũng xảy ra lỗi. Chẳng hạn như sự nhiễm độc giữa các mẫu trong phòng thí nghiệm có thể cho ra kết quả dương tính giả. Nhưng thách thức lớn nhất là hiện tượng âm tính giả, khiến những người không có triệu chứng nhưng nhiễm bệnh mà không được phát hiện. Đây là căn nguyên lây lan dịch bệnh tiềm tàng. Âm tính giả có thể xảy ra khi các miếng gạc đặt chưa đúng vị trí hoặc hiệu quả không cao trước khi virus tái sao chép với lượng đủ cao trong cơ thể. Ngay cả các xét nghiệm hoàn hảo nhất cũng cho ra những hạn chế của chúng.
Sự hiện diện của SARS-CoV-2 trong đường thở là lý do đủ để cách ly nhằm tránh lây bệnh cho người khác, đặc biệt là những người dễ tổn thương hơn chính bệnh nhân. Tự cách ly bản thân sẽ bảo vệ gia đình bạn, bảo vệ cho phần còn lại của xã hội. ông Eric Rubin, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trường sức khỏe công Harvard cho biết.
Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể
Xét nghiệm thứ hai này nhằm phát hiện các kháng thể, các phân tử miễn dịch hình chữ Y mà cơ thể sản sinh ra sau khi nó phát hiện ra sự xâm nhập của virus cụ thể. Không giống như xét nghiệm gạc virus, xét nghiệm huyết thanh có thể cho các bác sĩ biết về một loại vi trùng nguy hiểm đã đi vào cơ thể gần đây. Ông Eric nhấn mạnh: “Xét nghiệm huyết thanh học rất hữu ích cho những ai bị tình nghi tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2”. Sự khác biệt giữa 2 cách thức xét nghiệm là thời gian. Các kháng thể không bộc lộ số lượng lớn trong vài ngày đầu sau khi xảy ra lây nhiễm.
Nếu xét nghiệm gạc virus như kiểu “tóm cổ kẻ ngoại xâm”, thì xét nghiệm huyết kháng thể lại như một cách “thẩm vấn các nhân chứng” sau khi dịch bắt đầu. Xét nghiệm huyết thanh ít trực tiếp hơn xét nghiệm gạc virus vì kháng thể không thể đọc như một bộ gene, mà thay vào đó chúng phải được nhử mồi như vi trùng mục tiêu. Trong trường hợp của SARS-CoV-2, phân tử thu hút thực chất là một phiên bản chất đạm tổng hợp nằm trên bề mặt của virus và tiến vào tế bào trong đường thở. Một số xét nghiệm huyết học cũng có thể chỉ ra việc bệnh nhân bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ người khác bằng cách phân biệt giữa 2 loại kháng thể trong mẫu của họ.
Ngay cả khi cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại SARS-CoV-2 thì các nhà khoa học vẫn không chắc liệu kháng thể đó có đủ giúp họ an toàn không. Bởi ở mỗi người do các nhân tố như tuổi tác, di truyền đã tác động lớn đến phản ứng miễn dịch. Nhà vi trùng học Akiko Iwasaki (Đại học Yaly) nhấn mạnh: “Dù các kháng thể thường có lợi, nhưng thỉnh thoảng chúng cũng làm cho bệnh tình trầm trọng thêm. Các phản ứng miễn dịch quá mức sẽ tiêu diệt luôn những tế bào khỏe mạnh và với người nhiễm COVID-19 thì càng khiến cho bệnh của họ nặng hơn”. Các nhà khoa học cũng đang tìm xem loại phản ứng miễn dịch nào đóng vai trò bảo vệ, và loại nào khiến cho bệnh tình thêm nặng.
Ngày càng nhiều hơn các nhà nghiên cứu tham gia vào việc tìm hiểu phản ứng miễn dịch đối với chủng virus corona mới và những xét nghiệm quan trọng sẽ hứa hẹn chấm dứt đại dịch.
Phan Bình
((Theo smithsonianmag, 2020))
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-xet-nghiem-giup-tim-ra-su-lay-nhiem-covid-19-n181185.html