Hai xu hướng đối lập của nền kinh tế toàn cầu hiện nay

Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc gần bằng 0 trong tháng 4, trong khi lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng 4,9%; hai xu hướng đối lập này diễn ra ở hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ có tác động như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu? Tình trạng băng giá về chính trị và kinh tế giữa hai nước càng làm phức tạp thêm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh, vốn đã bị ám ảnh bởi cuộc chiến Nga - Ukraine và căng thẳng thương mại dai dẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hai bức tranh đối lập

Lạm phát tiêu dùng là sự gia tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế và kết quả là phản ánh sức mua của người tiêu dùng đang giảm đi, tất cả những yếu tố khác đều bình đẳng.

Nguồn: Photo Stock

Nguồn: Photo Stock

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lạm phát tiêu dùng tháng 4 của Trung Quốc tăng 0,1% so với một năm trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 2.2021.

Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù con số này đã giảm trong 10 tháng liên tiếp, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết vào tuần trước. Như vậy lạm phát tại Mỹ vẫn cao bất chấp những nỗ lực kìm hãm của FED. Cục Dự trữ liên bang đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp trong vòng một năm qua.

Trong Triển vọng kinh tế thế giới công bố vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính CPI của Trung Quốc sẽ tăng 2% trong năm nay, so với 4,5% của Mỹ.

Tại sao có sự chênh lệch này?

Các quan chức của Bắc Kinh có xu hướng cho rằng sự chênh lệch giữa Mỹ và Trung Quốc là do các cách tiếp cận khác nhau của cả hai nước để chống lại các cú sốc đại dịch.

Trái ngược với việc mở rộng bảng cân đối kế toán chưa từng có của FED lên mức tăng vọt 8,5 nghìn tỷ USD, Bắc Kinh đã hạn chế sử dụng các biện pháp nới lỏng quy mô lớn và rút lại các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với đại dịch Covid-19 ngay từ nửa cuối năm 2020.

Từ góc độ kỹ thuật, cả hai nước đều có trọng số khác nhau trong rổ giá tiêu dùng. Người tiêu dùng Hoa Kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng toàn cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Công ty chứng khoán Ping An (Trung Quốc) ước tính, hàng hóa công nghiệp mà Trung Quốc có khả năng sản xuất mạnh chiếm gần một nửa rổ CPI cốt lõi của Trung Quốc, trong khi hàng hóa công nghiệp chỉ chiếm chưa đến 22% ở Mỹ.

Trong khi đó, thực phẩm chiếm 19% trong giỏ hàng của Trung Quốc, cao hơn mức 13,47% của Mỹ. Năng lượng chiếm tỷ trọng 3,5% ở Trung Quốc, so với 7% ở Mỹ.

Trung Quốc đối mặt nguy cơ giảm phát?

Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng gần như bằng 0 trong tháng 4, cùng với giá sản xuất giảm trong 7 tháng liên tiếp, làm gia tăng lo ngại của thị trường về nguy cơ giảm phát của nền kinh tế từng được mệnh danh là “tăng trưởng quá nóng” này và đặt các nhà hoạch định chính sách vào thế khó.

Mối lo lắng càng sâu sắc hơn khi 7 tỉnh và thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, Hà Nam, Liêu Ninh và Sơn Tây, đều báo cáo chỉ số giá tiêu dùng giảm so với cùng kỳ năm trước vào tháng trước.

Nhiều nhà kinh tế Trung Quốc đổ lỗi cho kết quả thấp hiện nay là do cơ sở so sánh cao từ năm ngoái, khi giá hàng hóa tăng vọt trong cuộc chiến Ukraine.

Citic Securities, một ngân hàng đầu tư hàng đầu của Trung Quốc cho biết, vào tháng trước khả năng Trung Quốc phải đối mặt với giảm phát là khá thấp, do ngành du lịch đang dần phục hồi và giá thực phẩm có thể tăng. “Tôi không thấy nguy cơ giảm phát Trung Quốc” Krishna Srinivasan, Giám đốc bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh tuần trước.

Trong báo cáo thực hiện chính sách tiền tệ quý đầu tiên được công bố hôm 15.5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phủ nhận nguy cơ giảm phát, lưu ý rằng chỉ số CPI cơ bản của nước này, loại trừ giá lương thực và năng lượng dễ biến động, đã tăng 0,7% trong tháng 4 năm nay.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải đối mặt với nhu cầu và tiêu dùng suy giảm, như lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ ra tại cuộc họp phân tích hàng quý vào cuối tháng 4.

Nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng như thế nào?

Bắc Kinh và Washington, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ lâu đã được khuyến khích tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô, vì nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái, trong khi các vấn đề nợ nần có thể đè nặng các thị trường mới nổi.

Các quan chức Trung Quốc đã chuyển sang “tự vệ” cách bán phá giá các khoản nắm giữ của Kho bạc Mỹ và giảm mức độ tiếp xúc với USD, đồng thời giám sát chặt chẽ các dòng vốn xuyên biên giới và các cú sốc tiềm ẩn đối với thị trường tài chính trong nước.

Tuy nhiên, sự khác biệt về lạm phát tiêu dùng có thể buộc cả hai quốc gia phải đưa ra các ưu tiên khác nhau trong chương trình nghị sự của họ, khi căng thẳng song phương vẫn tiếp diễn.

Trung Quốc đã chuyển sự chú ý sang thúc đẩy đổi mới công nghệ và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong nước, vốn không đồng đều với lĩnh vực sản xuất và kinh doanh tư nhân bị tụt lại phía sau. Ngân hàng Trung ương của nước này đã duy trì thanh khoản thị trường dồi dào nhưng vẫn miễn cưỡng hạ lãi suất chính sách.

FED vẫn đang cố gắng đưa giảm lạm phát về mức mục tiêu 2% và các quyết định của họ tiếp tục thử thách các ngân hàng Mỹ và các thị trường mới nổi vốn đã chứng kiến dòng vốn chảy ra một cách đáng lo ngại.

Trong Triển vọng kinh tế thế giới công bố vào tháng 4, IMF nhận định, xu hướng tăng của lãi suất và tỷ giá đồng USD có thể làm trầm trọng thêm thách thức mà nhiều nền kinh tế đang phải đối mặt: Chi phí nhập khẩu lương thực - thực phẩm tăng cao giữa lúc nợ nần chồng chất. Tỷ giá bạc xanh đã “hạ nhiệt” từ đầu năm đến nay, nhưng có thể tăng trở lại nếu FED tăng lãi suất thêm nhiều hơn kỳ vọng và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Hàng hóa cơ bản giao dịch trên thị trường quốc tế và các khoản nợ nước ngoài thường được định giá bằng USD nên có độ nhạy cảm lớn với các động thái chính sách tiền tệ của FED.

Lãi suất tăng cũng có thể làm trỗi dậy cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến 3 ngân hàng Mỹ liên tiếp sụp đổ hồi tháng 3 và “đế chế” nhà băng Credit Suisse của Thụy Sĩ được đối thủ đồng hương UBS mua lại.

Áp lực trong lĩnh vực ngân hàng đã dịu đi trong những tuần gần đây, nhưng vẫn khiến bức tranh kinh tế tổng thể trở nên tồi tệ hơn dưới góc nhìn của IMF. “Căng thẳng trong lĩnh vực tài chính có thể khuếch đại và sự lây lan có thể xảy ra, làm suy yếu nền kinh tế thực thông qua sự suy giảm nghiêm trọng các điều kiện tài chính và buộc các ngân hàng trung ương phải xem xét lại đường lối chính sách của họ. Nguy cơ hạ cánh cứng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phát triển, đã trở nên lớn hơn nhiều”, IMF nhận định.

Trong kịch bản chính của IMF, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, nhưng nếu căng thẳng tài chính gia tăng, tốc độ tăng trưởng có thể chỉ đạt 2,5%, trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm dưới 1%.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hai-xu-huong-doi-lap-cua-nen-kinh-te-toan-cau-hien-nay-i329451/