Hầm chui - Giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả
Việc đầu tư xây dựng các nút giao khác mức, trong đó có các hầm chui là một trong những giải pháp hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu xung đột giữa các dòng phương tiện, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Thực tế từ khai thác 4 hầm chui trên địa bàn Thủ đô thời gian qua là minh chứng rõ nét cho nhận định này. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng kiến nghị đầu tư thêm một số hầm chui tại các nút giao phức tạp, trọng yếu khác.
Hiệu quả từ các hầm chui hiện có
Sau khoảng 3 năm thi công, năm 2009, Ban Quản lý các dự án trọng điểm đô thị Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào khai thác hầm chui Kim Liên, nối đường Đại Cồ Việt với đường Xã Đàn, qua nút giao với đường Giải Phóng - Lê Duẩn.
Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm đô thị Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo (thời điểm năm 2009) cho biết, hầm nút giao Kim Liên là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội, với chiều dài 644m, rộng 18,5m, đã giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực nút giao trên đường Vành đai 1 trung tâm nội đô.
Sau hầm chui đầu tiên này, phải đến tháng 1-2016, Hà Nội mới có thêm 2 hầm chui được hoàn thành. Đó là hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với Đại lộ Thăng Long và hầm chui Thanh Xuân tại nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Cả hai hầm chui này đều nằm trên trục đường Vành đai 3 - nơi có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa đường Nguyễn Trãi, đường Vành đai 3 và tuyến đường sắt trên cao, hầm chui Thanh Xuân giúp giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc tại đây. Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi trở thành nút giao đầu tiên có 4 tầng giao thông ở Hà Nội.
Đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), thành phố Hà Nội khánh thành hầm chui thứ tư tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3. Cùng với hầm chui Trung Hòa và Thanh Xuân, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 đã phát huy vai trò vô cùng quan trọng, khắc phục ùn tắc giao thông cho các tuyến đường hướng tâm trọng yếu khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam Thủ đô.
Ông Nguyễn Minh Hiếu (đường Thanh Bình, quận Hà Đông) chia sẻ: “Từ nhà tôi lên cơ quan ở quận Ba Đình có thể đi theo đường Tố Hữu qua hầm chui Lê Văn Lương hoặc đi đường Nguyễn Trãi qua hầm chui Thanh Xuân rất tiện lợi, ít khi xảy ra ùn tắc”.
Khớp nối đồng bộ các dự án hạ tầng giao thông
Từ hiệu quả của 4 hầm chui đã hoàn thành và đưa vào khai thác, tháng 10-2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã khởi công dự án xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A, cách điểm giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460m; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2025 mang đến rất nhiều kỳ vọng trong giải quyết bài toán ùn tắc, cải thiện diện mạo đô thị.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho rằng, khi dự án hầm chui tuyến đường Vành đai 2,5 và đoạn tuyến Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) - Vành đai 3 hoàn thành, toàn bộ vùng đệm cửa ngõ phía Nam thành phố sẽ có mạng lưới giao thông ô bàn cờ, giải quyết hầu như toàn bộ tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.
Ngay sau khi khởi công dự án hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất thành phố xây dựng thêm một số hầm chui khác qua Vành đai 3. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường, tại quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội, trên tuyến đường Vành đai 3 dự kiến đầu tư xây dựng đồng bộ các nút giao khác mức đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3; đường Hoàng Quốc Việt - Vành đai 3; đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3.
Tuyến đường Vành đai 3 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của thành phố. Mặt khác, cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long đã hoàn thành. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các nút giao trên là cần thiết.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cũng đề xuất làm hầm chui tại nút giao Đàm Quang Trung - Cổ Linh nhằm khớp nối đồng bộ theo quy hoạch, phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và tuyến đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Nhiều ý kiến đánh giá, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã xây dựng và khánh thành hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều hầm chui đã và đang góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Thủ đô; đồng thời, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.