Hăm dọa 'sởn da gà' của tài xế ở Bình Dương: Đừng để 'giận mất khôn'!
Vụ việc tài xế ở Bình Dương đòi chẻ đầu một tài xế khác sau khi va chạm giao thông khiến nhiều bạn đọc bất bình.
Vụ va chạm giao thông nhẹ giữa 2 ôtô đang lưu thông trên Quốc lộ 13 đoạn qua phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương sẽ không có gì để dư luận bàn tán xôn xao nếu như 1 người đàn ông không xuống xe chửi bới, nhục mạ, thậm chí vác rựa ra đòi "chẻ đầu" đối phương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc bắt nguồn từ quá trình chuyển làn đường của 2 tài xế. Xe tài xế đi sau không may húc vào xe của tài xế phía trước. Lập tức, nam tài xế phía trước dừng xe, xuống mở cốp rồi lấy cây rựa và liên tục hăm dọa đối phương: "Tao chẻ đầu mày bây giờ".
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh sự việc, nhiều bạn đọc tỏ ra bất bình về cách hành xử của tài xế ở Bình Dương nêu trên.
Bạn đọc L.H viết: "Đòi chẻ đầu người ta là có dấu hiệu đe dọa giết người. Đề nghị xử lý hình sự".
Bạn đọc Dân tui bày tỏ quan điểm: "Cơ quan công an phải xử lý vụ này theo luật pháp, bảo đảm tính răn đe, không để phát ngôn mất văn hóa ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông". Bạn đọc Nguyễn Hiền đồng tình cần phạt thật nặng để hạn chế những người có "cái đầu nóng".
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Phương cho rằng không biết ai đúng ai sai nhưng cầm dao đe dọa người khác là hành vi "khủng bố", vi phạm pháp luật…
Theo thông tin trên báo chí, thời gian qua, nhiều người đi đường ứng xử tùy tiện, thiếu phép tắc và giới hạn đạo đức nên gây ra không ít vụ xô xát, án mạng sau va chạm giao thông. Chỉ cần va chạm nhẹ, tài xế đã có thể cáu gắt, hung hung đòi "xử" nhau, tạo "mồi lửa" dẫn đến tình trạng bạo lực, phạm pháp ngày càng gia tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do nền tảng nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân của một số người còn thấp. Vì thế, họ không hành xử theo quy định của pháp luật cũng như các quy tắc đạo đức nếu không may xảy ra xung đột. Chưa kể, một số người thích thể hiện cá nhân, "ra oai" với người xung quanh... nên thường dùng bạo lực để "phủ đầu" đối phương...
Trở lại vụ việc tài xế đòi "chẻ đầu" đối phương, dù chưa rõ ai đúng ai sai nhưng theo Công an phường Hiệp Thành, trước mắt đã xác định được nam thanh niên này có nhiều dấu hiệu vi phạm, như: dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, đe dọa người khác, tàng trữ hung khí...
Làm sao để ngăn chặn tình trạng trên? Theo nhiều bạn đọc, từ trước đến nay, ứng xử giữa người với người cần có sự tôn trọng, có trước có sau. Ứng xử giữa người tham gia giao thông với nhau và với lực lượng chức năng cũng tương tự vậy. Điều này phải được giáo dục ngay từ trong gia đình và nhà trường.