Chuyên gia quân sự, Thuyền trưởng hạng nhất (Đại tá hải quân) của lực lượng dự bị - ông Vasily Dandykin trong cuộc trò chuyện với tờ Narodnye Novosti đã nêu rõ những ưu điểm của tàu ngầm Nga và mức độ nguy hiểm của chúng đối với NATO.
Theo nhà phân tích, lực lượng NATO đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Nga ở khu vực Bắc Cực. Lý do dẫn tới điều này chính là các nguồn tài nguyên phong phú tại đây.
Đáng kể nhất là trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên rất lớn nằm dưới các lớp băng của Bắc Cực khiến khu vực này trở thành mục tiêu mong muốn đối với khối chính trị - quân sự do Mỹ đứng đầu.
Tuy nhiên phần lớn Bắc Cực hiện do Nga kiểm soát và bất kỳ sự xâm lấn nào của khối NATO đối với khu vực này đều có nguy cơ khiến họ phải hứng chịu những rắc rối nghiêm trọng.
Theo ông Dandykin, giờ đây lợi thế chiến lược của Moskva ở vùng biển Bắc Cực được cung cấp bởi hạm đội tàu ngầm cực mạnh, trong đó đa phần là tàu ngầm hạt nhân.
“Nếu chúng ta nói về tàu ngầm hạt nhân, thì Nga đứng ở vị trí thứ hai về số lượng sau Mỹ. Nhưng số lượng không phải yếu tố quan trọng nhất phản ánh sức mạnh thực tế".
"Chúng tôi là những người đầu tiên chế tạo và đưa vào hoạt động các tàu ngầm tên lửa hạt nhân thế hệ thứ tư có tầm quan trọng chiến lược, không giống như người Mỹ, họ chỉ có lớp Ohio - đây là lớp tàu ngầm thế hệ thứ ba”, Đại tá Dandykin nói.
Chuyên gia quân sự Vasily Dandykin lưu ý rằng hiện nay Hải quân Nga được trang bị các tàu ngầm hạt nhân thuộc Dự án 955 lớp Borey và 955A Borey-A có tính năng rất tiên tiến.
Hơn nữa trong tương lai gần, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Alexander III có thể sẽ nhận được một bản nâng cấp đáng kể, trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại, trong đó bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn Bulava.
Thành công của Mỹ là chế tạo các tàu ngầm đa năng lớp Virginia và đặc biệt là Seawolf, nhưng loại sau chưa bao giờ được triển khai đầy đủ do chi phí cao. Đáp lại, Nga đã chế tạo nhiều tàu ngầm đa năng thế hệ thứ tư thuộc lớp Yasen và Yasen-M.
Loạt chiến hạm nói trên bao gồm các tàu ngầm Severodvinsk, Kazan, Novosibirsk, Krasnoyarsk và một số tàu khác. Theo ông Dandykin, trong thập kỷ này, tất cả các tàu sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon.
Song song với việc này, Nga tiếp tục hiện đại hóa hàng loạt tàu ngầm cũ hơn. Hạm đội tàu ngầm hạt nhân và phi hạt nhân của Moskva được trang bị những công nghệ tiên tiến mà Mỹ và các thành viên NATO khác hết sức quan tâm.
“Hạm đội tàu ngầm Nga ngày càng vươn ra đại dương, thực hiện các nhiệm vụ theo mục đích đã định và tất nhiên, chúng gây lo ngại cho cả Hải quân Mỹ nói riêng và khối quân sự NATO nói chung".
"Tôi tin rằng đây là một kỳ tích của cả các nhà thiết kế, của tổ hợp công nghiệp - quân sự chúng ta và đặc biệt là ngành đóng tàu”, chuyên gia Dandykin nhấn mạnh.
Theo ông Dandykin, Washington đang tuyên bố rằng Bắc Cực "nên phục vụ tất cả nhân loại", nghĩa là "nên phục vụ nước Mỹ". Tuy nhiên năng lực chiến lược của Nga đặt ra câu hỏi về khả năng mở rộng ảnh hưởng của khối NATO tới khu vực trên.
Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga đảm bảo an ninh toàn diện cho khu vực Bắc Cực. Đồng thời như vị chuyên gia quân sự lưu ý, đã có những vụ va chạm giữa tàu ngầm Nga với Mỹ.
“Trong quá khứ, tàu ngầm USS Baton Rouge đã va chạm với chiếc Kostroma của chúng tôi, tàu ngầm Mỹ đã bị xóa sổ, còn chiếc Kostroma vẫn phục vụ tiếp cho đến ngày nay".
"Đây là loại tàu ngầm đa năng với phần thân làm bằng titan, điều này khiến nó chiến thắng. Vì vậy tôi nghĩ trong mọi trường hợp, chúng tôi là chủ nhân và sẽ khẳng định vị thế của mình tại Bắc Cực”, chuyên gia Vasily Dandykin kết luận.