Hàm Liêm - Bản hùng ca của phong trào 'Nhân dân du kích'
Xã Hàm Liêm – một địa danh đã đi vào lịch sử như một chứng nhân kiên trung của dân tộc. Vùng đất ấy, nơi được mệnh danh là 'Tam Giác kiên cường', một trong những xã đầu tiên của miền Nam vinh dự được phong tặng danh hiệu 'Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân' vào ngày 20 tháng 12 năm 1972.
Qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Hàm Liêm đã đóng góp biết bao máu xương, biết bao con người đã ngã xuống để đổi lấy nền hòa bình và độc lập hôm nay.

Gần 10 năm trở lại đây, năm nào tôi cũng về Hàm Liêm dự kỷ niệm Ngày giải phóng Miền Nam, “Gặp mặt du kích xã Hàm Liêm”. Mỗi lần trở về, lòng tôi lại dâng lên những xúc cảm khó tả. Mảnh đất này như một kho sử sống, nơi mỗi ngọn cỏ, tấc đất đều ghi dấu chân người chiến sĩ; mỗi căn hầm bí mật vẫn vọng lại những lời thề sắt đá của quân dân một thời. Lần này, trong chuyến đi thực tế cùng các hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận, tôi càng thấm thía hơn những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại của con người nơi đây.

Ngay khi đặt chân đến Hàm Liêm, trước mắt chúng tôi là khu tượng đài Tổ quốc ghi công – nơi khắc ghi gần 750 liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến. Một xã chỉ vỏn vẹn hơn 6.000 dân, vậy mà có 154 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, có 467 thương binh, bệnh binh, nhiều người còn mang trong người di chứng chiến tranh; có hàng trăm người bị địch bắt, tù đầy, tra tấn đến chết hoặc phải mang thương tật suốt đời; hàng nghìn cá nhân, hộ gia đình tham gia đóng góp cho sự nghiệp cách mạng.(1)
Được các đồng chí lãnh đạo xã Hàm Liêm, đồng chí Văn Minh Trường, nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Thuận Hải, giới thiệu, chúng tôi càng hiểu thêm về địa thế hiểm yếu của Hàm Liêm. Hàm Liêm nơi dừng chân của trung đoàn 812, là cửa ngõ để quân ta tấn công vào Phan Thiết(2). Địa hình trống trải, đồn bốt dày đặc, ta với địch ở sát nách nhau, tạo thành những vùng xen kẽ kiểu “da beo”.(3) Trong tình thế ấy, phong trào "Nhân dân du kích" Hàm Liêm đã phát triển mạnh mẽ, với phương thức đấu tranh linh hoạt: “hai chân” (quân sự, chính trị), “ba mũi giáp công” (quân sự, chính trị, binh - địch vận). Những trận chiến nơi đây không chỉ là cuộc đấu sức mà còn là cuộc đấu trí đầy cam go.
Quân dân ta chiến đấu với kẻ thù bằng “lòng yêu nước nồng nàn, trí thông minh và lòng dũng cảm”. Kẻ địch tàn ác, giã man với nhiều thủ đoạn thâm độc, trong đó có thủ đoạn dồn dân vào ấp chiến lược hòng “ tách cá ra khỏi nước”, “tát nước bắt cá”…
Bên ngoài địch càn quét, lùng sục, đột kích, phục kích, dùng bom pháo chà đi, xát lại cày xéo từng tấc đất bằng bộ binh, xe tăng, xe bọc thép, máy bay phản lực, trực thăng, có cả máy bay B52!(4) Bên trong chúng ra sức khủng bố, bắt bớ, tra tấn, đánh đập, bắn giết theo phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót” cùng đội ngũ tề ngụy, biệt kích, thám báo dày đặc, có mặt khắp nơi. Hình ảnh chị Tám Tiệm (Phạm Thị Mai) bị địch bắt khảo tra, nhiều lần cưa cả hai chân đến sát háng là minh chứng cho sự giã man, tàn ác này.
Lực lượng du kích Hàm Liêm, phần lớn là nữ, có những người còn rất trẻ, tràn đầy ước mơ nhưng đôi tay lại vững vàng súng đạn. Có em chỉ mới 12, 13 tuổi đã dấn thân vào con đường kháng chiến. Gia đình chị Hai Buôn có bốn chị em cùng hoạt động trong một tổ du kích mật, âm thầm cống hiến cho cách mạng. Trong tác phẩm “Hàm Liêm ngày ấy – Bây giờ” tác giả Văn Công An đã giới thiệu nhiều gương mặt điển hình về các chiến sĩ du kích Hàm Liêm, trong đó có những “Du kích mật như anh Mười Trong, chị Lâm Thị Tuyết, chị Huỳnh Thị Hải, chị Quý, chị Nguyễn Thị Bền, chị Tám Ẩn, chị Năm Tiến… Những chiến công của họ như “thần thông biến hóa”, xuất hiện bất ngờ, tấn công chớp nhoáng và biến mất như ảo thuật trước kẻ thù. Họ sống trong lòng quê hương, trong lòng nhân dân, ẩn mình trong lòng đất, trong lòng địch; xuất thần giết giặc trong ấp chiến lược, giữa vòng vây thép gai chằng chịt mìn Claymore, trên đường làng, khu chợ đông người, tại nhà, trong rạp hát, sát bốt địch, ban đêm, giữa ban ngày… khi thời cơ đến. Họ không chỉ chiến đấu mà còn làm công tác binh vận như treo cờ, treo ảnh cảnh báo bọn ác ôn, rải truyền đơn, căng khẩu hiệu, kêu gọi binh lính bỏ súng về với cách mạng, có khi ngụy trang vào tận ấp chiến lược để phát động quần chúng, ngụy trang thành bộ đội chủ lực tấn công đồn địch…

Về đây mới thực sự cảm nhận được lòng dũng cảm, mưu trí, khôn khéo của những người con quê hương Hàm Liêm kiên cường này. Sống và chết với họ chỉ là gang tấc; từng phút từng giây. Tàn ác là vậy, dã man là vậy, nhưng lòng yêu nước, tình yêu quê không làm họ nao núng, vượt lên tất cả hiểm nguy; ý chí cách mạng mạnh hơn cái chết! Trong cuộc chiến đấu một mất một còn, đã có nhiều người con Hàm Liêm anh dũng hy sinh nằm lại mãi mãi nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Nói đến "Phong trào Nhân dân du kích" Hàm Liêm, không thể không nhắc đến những căn hầm bí mật. Chúng là những công trình kỳ diệu, ẩn mình dưới lòng đất, ngay sát nách quân thù mà vẫn kiên gan tồn tại. Hầm bí mật đến nay cũng chưa thống kê hết. Hầm xuyên vào lòng đất khắp mọi nơi ở Hàm Liêm như dưới tượng Phật, trong nhà, dưới bếp, ngoài vườn, bờ ao, hố nước, dưới đống rơm, đống củi, chuồng trâu, chuồng bò... Hầu như gia đình nào cũng có hầm bí mật, trong đó có gia đình có nhiều hầm bí mật như nhà chị Hai Hường xóm Cây Chai. Hầm bí mật ở đây là riêng lẻ, không có liên thông như địa đạo Củ Chi, có nhiệm vụ che giấu cán bộ, cất giấu vũ khí, nơi ém quân chờ giờ xuất kích, nơi nuôi dưỡng và cất giấu thương binh, là nơi hội họp, nắm bắt tình hình địch và theo dõi hoạt động của địch, bí mật diệt ác, trừ gian…. Hầm bí mật là nơi hội tụ trí thông minh và lòng dũng cảm của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Những chiếc hầm bí mật Hàm Liêm đã trở thành sự tích anh hùng, là huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Hầm bí mật cũng là mục tiêu của địch khi càn quét nơi này, chúng đào bới, lùng sục khắp nơi, nhưng không thể xóa sổ được những căn hầm kiên trung ấy. Chính những hầm bí mật đã làm nên một Hàm Liêm bất khuất, nơi “sự sống đang sôi sục trong lòng đất”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hàm Liêm đã có năm cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân: ông Nguyễn Hội, ông Trương Sanh Thạch, ông Trần Văn Chín, ông Nguyễn Hinh (Ông Già Đống Rơm), bà Phạm Thị Mai. Những cái tên ấy không chỉ là niềm tự hào của quê hương mà còn là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam anh hùng. Trên quê hương Hàm Liêm, có biết bao hình ảnh và tấm gương hy sinh vì cách mạng.
Hàm Liêm Anh hùng, bản hùng ca bất diệt của "Phong trào Nhân dân du kích"! Mãi mãi sáng ngời trang sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam Anh hùng!