Hội chợ thiện nguyện 'Một chữ Tâm' - nơi 'giao thương' của những trái tim

Hội chợ thiện nguyện 'Một chữ Tâm' mới đây đã lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Đây không chỉ là cơ hội để các thương hiệu giao lưu, quảng bá sản phẩm, mà còn là dịp để lan tỏa tinh thần nhân văn vì cộng đồng.

Khi hội chợ không chỉ là nơi mua bán

Không giống như những hội chợ thương mại thông thường, nơi người mua đến để tìm kiếm sản phẩm, người bán đến để tìm kiếm lợi nhuận, Hội chợ thiện nguyện “Một chữ Tâm” ra đời với một sứ mệnh hoàn toàn khác.

 Hội chợ “Một chữ Tâm” - Nơi lan tỏa tình thương với cộng đồng.

Hội chợ “Một chữ Tâm” - Nơi lan tỏa tình thương với cộng đồng.

Diễn ra tại Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội), hội chợ quy tụ hơn 30 thương hiệu đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như thủ công, thời trang, ẩm thực, nghệ thuật… Những sản phẩm ở đây vừa đẹp về hình thức, vừa mang theo một thông điệp sâu sắc: Mỗi món đồ bạn mua là một phần đóng góp cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ban tổ chức cam kết trích một phần phí tham gia từ các gian hàng để đưa vào quỹ hỗ trợ, đồng thời khuyến khích các thương hiệu trích thêm phần lợi nhuận để tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn này.

Bạn Vũ Hương Giang (thành viên Đội Event Marketing của hội chợ) chia sẻ, sự kiện được tổ chức với hai mục tiêu chính: Gây quỹ tối thiểu 30 triệu đồng để hỗ trợ các trẻ em khó khăn tại Bệnh viện Nhi Trung ương và lan tỏa tinh thần thiện nguyện, kết nối những tổ chức cộng đồng.

“Ban tổ chức thông qua hội chợ cũng đón nhận được rất nhiều tình cảm cũng như những câu chuyện ý nghĩa từ chính các gian hàng cộng tác - rất nhiều nhãn hàng muốn đóng góp nhiều hơn mong muốn như: Lam Phong Studio ngỏ ý đóng góp 30% doanh thu tới “Nuôi em”, hay “Ngất lịm bakery” đóng góp 50% sản phẩm bánh quy hoa tới quỹ của Làng trẻ em SOS Việt Nam”, Hương Giang cho biết.

 Không gian ấm cúng với hơn 30 gian hàng tham gia Hội chợ “Một chữ Tâm”.

Không gian ấm cúng với hơn 30 gian hàng tham gia Hội chợ “Một chữ Tâm”.

Điểm đặc biệt lớn nhất của hội chợ không nằm ở những món đồ được trưng bày, mà ở cách con người đến đây để gặp nhau. Đây không phải là nơi mà người bán cố gắng thuyết phục người mua, mà là nơi cả hai cùng nhau hướng về một điều tốt đẹp hơn. Người mua nhận được một món đồ như ý, đồng thời nhận được niềm vui khi biết rằng mình góp phần làm điều ý nghĩa. Người bán cũng kiếm được thu nhập và có cơ hội lan tỏa những giá trị mà họ tin tưởng.

Bạn Ốc Thị Quỳnh Anh (Phụ trách gian hàng “Sách này là để xây trường”) chia sẻ: “Sách này là để xây trường” là dự án mini của “Sức mạnh xây trường” thuộc hệ sinh thái “Nuôi em”. Dự án rất ít khi bán hàng trực tiếp, nhưng Hội chợ thiện nguyện “Một chữ Tâm” mang đến ý nghĩa rất lớn khi có chung mục đích là gây quỹ phục vụ cho các hoạt động thiện nguyện và điều này đúng với định hướng của dự án, đó là giúp đỡ cộng đồng và lan tỏa tình thương".

Mỗi người đến với hội chợ đều có một cách riêng để thể hiện lòng tốt của mình, không có giới hạn nào cho sự cho đi. Sự khác biệt lớn nhất của “Một chữ Tâm” không nằm ở hình thức tổ chức, quy mô, mà nằm ở tinh thần của nó. Nếu các hội chợ khác là nơi trao đổi vật chất, thì đây là nơi trao đổi “trái tim”. Anh Trần Tiến Phúc (25 tuổi, ở Hải Phòng) dành lời khen cho ban tổ chức: “Cách thức tổ chức của hội chợ này thực sự rất thu hút những người trẻ như mình, khi nó là hoạt động vừa có tính chất kinh doanh, vừa mang lại mục đích tốt cho xã hội”.

Bạn Vũ Hương Giang, thành viên đội Event marketing của hội chợ đang sắp xếp lại những lưu bút của khách hàng.

Bạn Vũ Hương Giang, thành viên đội Event marketing của hội chợ đang sắp xếp lại những lưu bút của khách hàng.

Kết nối yêu thương, lan tỏa hy vọng

Có những món quà không được gói trong giấy màu rực rỡ, không được buộc bằng những dải ruy băng lộng lẫy, nhưng vẫn mang giá trị vô giá. Món quà quý giá ấy là sự sẻ chia, là lòng nhân ái, là những bàn tay đưa ra nâng đỡ một số phận kém may mắn. Và đó cũng chính là tinh thần mà Hội chợ thiện nguyện “Một chữ Tâm” mong muốn lan tỏa.

Bước vào không gian hội chợ, những gian hàng đầy sắc màu, những món đồ thủ công được làm bằng tất cả sự tỉ mỉ và tâm huyết. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là những khu trưng bày của các tổ chức xã hội - nơi từng câu chuyện về những hoàn cảnh khó khăn được cất lời, nơi những nỗi đau không chỉ còn là của riêng ai, mà trở thành lời kêu gọi yêu thương và thôi thúc hành động.

Bạn Ốc Thị Quỳnh Anh (Phụ trách gian hàng “Sách này là để xây trường”, đứng bên trái) đang sắp xếp gian hàng của mình.

Bạn Ốc Thị Quỳnh Anh (Phụ trách gian hàng “Sách này là để xây trường”, đứng bên trái) đang sắp xếp gian hàng của mình.

Ông Đỗ Hoàng Anh, Phó giám đốc Bộ phận Truyền thông và Phát triển đối tác của Làng trẻ em SOS Việt Nam bộc bạch: “Tham gia một gian hàng, chúng tôi mong muốn lan tỏa hình ảnh, thông tin về những công việc đầy nhân văn mà Làng trẻ em SOS đang thực hiện trong những năm vừa qua. Cảm ơn những đóng góp của các bạn đã giúp Làng hoạt động vững vàng trong 40 năm qua và cũng trong 40 năm đó đã có hàng nghìn trẻ em trưởng thành từ mái nhà SOS và trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Ông Đỗ Hoàng Anh (Phó giám đốc bộ phận Truyền thông và Phát triển đối tác của làng trẻ em SOS Việt Nam) sắp xếp lại những món quà do chính những em bé tại Làng trẻ em SOS làm.

Ông Đỗ Hoàng Anh (Phó giám đốc bộ phận Truyền thông và Phát triển đối tác của làng trẻ em SOS Việt Nam) sắp xếp lại những món quà do chính những em bé tại Làng trẻ em SOS làm.

Ở thời điểm hiện tại, khi sự quan tâm và tinh thần thiện nguyện đã không còn là điều xa lạ, “Một chữ Tâm” xuất hiện như một lời nhắc nhở rằng sự sẻ chia luôn cần được duy trì và lan rộng. Hội chợ không chỉ hướng đến việc gây quỹ giúp đỡ các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mà còn mong muốn gieo mầm cho những kết nối bền chặt hơn giữa cộng đồng và những người đang cần sự giúp đỡ.

Khi được hỏi về ý nghĩa của hội chợ này, chị Lưu Thị Phương Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Ngỡ rằng hôm nay chỉ là một buổi đi chơi, mà hai mẹ con tôi mang về cả một câu chuyện ý nghĩa. Tôi không nghĩ các bạn còn trẻ mà tổ chức được chương trình như thế này”.

Chị Lưu Thị Phương Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng con gái để lại những dòng lưu bút ý nghĩa.

Chị Lưu Thị Phương Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng con gái để lại những dòng lưu bút ý nghĩa.

Hội chợ khép lại, song đã “mở ra” nhiều điều: Một bệnh nhi có thêm hy vọng, một gia đình có thêm niềm tin vào cuộc sống và một hành trình thiện nguyện mới lại được bắt đầu.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hoi-cho-thien-nguyen-mot-chu-tam-noi-giao-thuong-cua-nhung-trai-tim-822764