Dòng chảy nguồn cội

Từ thuở khai sinh đất nước, vùng đất Quảng Bình đã luôn gắn bó mật thiết với những dấu ấn lịch sử của nhà nước Văn Lang-Âu Lạc, góp phần tạo nên nền văn minh Việt cổ. Những hiện vật khảo cổ, cùng những truyền thống văn hóa và tinh thần kiên cường của người dân nơi đây chính là minh chứng sống động cho dòng chảy bất diệt của tinh thần Hùng Vương qua hàng nghìn năm lịch sử. Phát huy tinh thần ấy, trải qua bao thăng trầm, người dân Quảng Bình vẫn kiên cường, tự lực, tự cường, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Dấu tích nền văn minh Việt cổ

Theo cuốn “Địa chí Quảng Bình”, vào thời kỳ Văn Lang-Âu Lạc, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang dưới thời Hùng Vương. Đây là vùng đất có điều kiện thuận lợi để cư dân cổ sinh sống, phát triển nông nghiệp lúa nước và các nghề thủ công. Những hiện vật khảo cổ quý giá, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn tại Quảng Bình. Những hiện vật này được tìm thấy ở nhiều địa điểm dọc dải đất Quảng Bình, chứng minh rằng người Việt cổ nơi đây đã sở hữu một nền văn minh phát triển rực rỡ, không thua kém các vùng đồng bằng sông Hồng hay sông Mã.

Trải qua hàng nghìn năm, những di vật như trống đồng, bình đồng… vẫn còn nguyên vẹn với những hoa văn độc đáo, minh chứng cho sự thịnh vượng và tinh thần kiên cường của cư dân cổ.

Các hiện vật đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Các hiện vật đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Bên cạnh đó, những phát hiện từ các di chỉ khảo cổ như Bàu Tró cũng cho thấy cư dân Quảng Bình đã sớm có một đời sống văn hóa phong phú. Họ biết làm đồ gốm, sử dụng công cụ đá mài và có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Những chứng cứ này đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của cư dân cổ và minh chứng rằng từ thời các Vua Hùng, Quảng Bình đã là một phần không thể thiếu trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái nhận định: “Quảng Bình thời Văn Lang không chỉ là một vùng đất quan trọng về địa lý mà còn giữ vai trò chiến lược traong việc bảo vệ bờ cõi phía Nam của quốc gia. Vùng đất này được xem như lá chắn vững chắc, ngăn chặn sự xâm thực của các thế lực từ phương Nam, góp phần duy trì sự ổn định cho nhà nước Văn Lang. Đồng thời, đây cũng là điểm khởi nguồn cho sự giao thoa, bồi đắp và lan tỏa của văn hóa Việt xuống phía Nam, đặt nền móng cho quá trình phát triển lâu dài của dân tộc”.

Phát huy tinh thần Hùng Vương

Theo thạc sĩ Trần Thị Tuyết Nhung, giảng viên Trường đại học Quảng Bình, vùng đất “gió Lào cát trắng” Quảng Bình từ lâu đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc với tinh thần yêu nước, kiên trung và bất khuất. Dưới góc nhìn của tinh thần Hùng Vương, người dân Quảng Bình qua các thời kỳ luôn thể hiện rõ ý chí tự lực, tự cường và sẵn sàng hy sinh vì quê hương, đất nước. Vào thời kỳ phong kiến, Quảng Bình là vùng đất biên viễn quan trọng, gắn với cuộc mở mang bờ cõi của Đại Việt. Dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, người Quảng Bình vừa khai hoang, vừa kiên cường giữ đất, góp phần tạo nên sự ổn định và mở rộng lãnh thổ.

“Thời kỳ phong kiến, Quảng Bình là vùng đất biên viễn và là nơi hun đúc tinh thần kiên trung, bất khuất của người dân. Trong suốt hàng trăm năm, cư dân Quảng Bình luôn thể hiện ý chí tự lực, tự cường, bảo vệ quê hương trong những giai đoạn đầy biến động của lịch sử”, thạc sĩ Trần Thị Tuyết Nhung khẳng định.

Vào ngày 10/3 Âm lịch, người dân khắp nơi lại đổ về Đền Hùng (Phú Thọ) để tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc.

Vào ngày 10/3 Âm lịch, người dân khắp nơi lại đổ về Đền Hùng (Phú Thọ) để tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc.

Trong kháng chiến chống Pháp, người Quảng Bình vừa tham gia chiến đấu, vừa đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Đến thời kỳ chống Mỹ, Quảng Bình trở thành “tuyến lửa của miền Bắc” là địa bàn trọng yếu trên con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Dù phải hứng chịu muôn vàn mưa bom bão đạn của kẻ thù xâm lược, người dân Quảng Bình vẫn kiên cường bám trụ, sản xuất và chiến đấu. Những địa danh lịch sử như bến phà Long Đại, hang Tám Thanh niên xung phong, đường 20 Quyết Thắng… đã trở thành biểu tượng cho tinh thần quật cường, chiến đấu và chiến thắng quân thù của quân dân quê hương “Hai giỏi”.

Ngày nay, tinh thần Hùng Vương vẫn được thể hiện mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Người Quảng Bình đang khai thác tối đa lợi thế biển, rừng và du lịch để phát triển kinh tế. Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ngày càng hiện đại. Du lịch biển, du lịch khám phá hang động đang giúp Quảng Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thế hệ trẻ Quảng Bình ngày nay cũng đang góp phần làm rạng danh quê hương trên nhiều lĩnh vực từ khoa học, công nghệ đến văn hóa, thể thao... Các tài năng trẻ trong các lĩnh vực như giáo dục, nghiên cứu khoa học, thể thao, nghệ thuật liên tục gặt hái những thành tựu đáng tự hào, tiếp tục khẳng định tinh thần hiếu học, sáng tạo và kiên cường của vùng đất này.

Tiếp nối dòng chảy quá khứ, tinh thần Hùng Vương của người Quảng Bình đã tiếp tục bừng sáng trong thời đại ngày nay. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, người dân Quảng Bình vẫn luôn đoàn kết, sáng tạo và không ngừng vươn lên mạnh mẽ.

Để mạch nguồn chảy mãi

Cứ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm, người dân làng Thuận Bài và Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) lại nô nức chuẩn bị cho hội làng truyền thống. Với người dân nơi vùng đất có truyền thống gần 500 năm này, hội làng chính là dịp cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và thực hiện các nghi lễ tôn vinh công đức của các Vua Hùng. Đây không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, học hỏi về những giá trị đạo lý cao quý của dân tộc.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch là dịp để mỗi người dân Việt Nam tôn vinh truyền thống lịch sử, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng. Các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, nhằm nhắc nhớ về cội nguồn, khơi dậy ý chí vươn lên của dân tộc.

Với ý nghĩa sâu sắc của những lễ hội truyền thống này, việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc sẽ góp phần vào sự phát triển của quê hương. Để tinh thần Hùng Vương chảy mãi, cùng với việc phát triển kinh tế bền vững, việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần được chú trọng và trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương. Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không nên chỉ dừng lại ở nghi lễ cúng tế mà cần được kết hợp với các chương trình giáo dục, du lịch văn hóa, nghệ thuật, nhằm tạo ra những giá trị kinh tế bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong đời sống đương đại. Quảng Bình, với những tiềm năng du lịch văn hóa phong phú, có thể khai thác thêm những giá trị này để thu hút du khách, tạo ra nguồn thu từ du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương mà vẫn bảo tồn được những di sản vô giá.

Từ thời Văn Lang-Âu Lạc cho đến nay, Quảng Bình luôn là vùng đất tựa vào dòng chảy lịch sử hào hùng, mang trong mình truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường. Chính nhờ tinh thần ấy mà người dân Quảng Bình đã vượt qua bao thăng trầm, gian khó để xây dựng và phát triển quê hương. Giữ gìn và phát huy tinh thần Hùng Vương, chính là cách để Quảng Bình duy trì và tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy chung của dân tộc.

Diệu Hương

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/dong-chay-nguon-coi-2225444/