Hàm Tân: Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
Bám sát đặc điểm địa phương, thời gian qua, Hội Nông dân Hàm Tân đã triển khai có hiệu quả nhiều nội dung hoạt động, từ đó trực tiếp hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất.
Mô hình tổ hợp tác hoa lan tại thị trấn Tân Minh đang mang lại giá trị kinh tế cao cho hội viên.
Ông Phạm Xuân Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân Hàm Tân cho biết: Toàn huyện hiện có 10 cơ sở hội, trong đó có 56 chi hội và 292 tổ hội. Năm qua, trước tác động của tình hình dịch Covid-19, Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tích cực áp dụng kỹ thuật. Vận động nông dân nhân rộng các mô hình hiệu quả như ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước trên cây thanh long, nuôi heo, gia cầm trên đệm lót sinh học, nuôi bò sinh sản, thâm canh vườn điều, cải tạo vườn nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng cơm vàng, trồng củ kiệu trên đất lúa, sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi vịt siêu trứng.
Hội cũng kịp thời phối hợp tổ chức tham quan học tập mô hình và tiếp cận giống cây tràm mới AH1, AH7. Cùng với các công ty, viện nghiên cứu ngoài tỉnh tập huấn trồng cây mít nghệ, triển khai trồng giống điều AB-0508, PN, AB29, nuôi thỏ…
Thời điểm dịch Covid-19 xảy ra cũng là lúc nhãn xuồng Thắng Hải đang vào thu hoạch rộ khiến việc tiêu thụ nông sản vô cùng khó khăn. Ngay lập tức, Hội Nông dân huyện trở thành “cầu nối” kêu gọi, kết nối, giúp nông dân tiêu thụ trên 100 tấn. Song song đó, phối hợp với các ngân hàng thành lập tổ liên kết, tổ tiết kiệm đáp ứng nguồn vốn vay cho bà con. Liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở vật tư nông nghiệp cung ứng nông dân mua phân bón trả chậm, hỗ trợ một phần chi phí cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ vậy, đến cuối năm 2021 toàn huyện thành lập mới được 4 tổ hợp tác/30 thành viên, nâng tổng số tổ hợp tác hiện nay là 48 tổ và duy trì 7 hợp tác xã/115 thành viên. Có gần 3.500 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó nhiều điển hình nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động nông thôn như ông Phạm Văn Động (Tân Đức) với mô hình VAC, ông Hà Thành Chánh (Thắng Hải) trồng xoài, ông Võ Văn Sót (Thắng Hải) trồng bơ, tiêu, nuôi dê, nuôi vịt lấy trứng.
Để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, tăng mức thu nhập của người nông dân, ông Phạm Xuân Thọ cho biết: Hội đang triển khai các mô hình kinh tế gắn với thị trường. Trong đó đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng lợi thế để phục vụ xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp hướng dẫn, vận động nông dân xây dựng mới các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân học tập kinh nghiệm và ứng dụng sử dụng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghiệp sinh học, công nghệ cao. Liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng máy móc, vật tư nông nghiệp cho nông dân có hỗ trợ, trả chậm; tuyên truyền, tư vấn giới thiệu và tổ chức dạy nghề cho nông dân. Đặc biệt, trước tác động của dịch Covid-19, Hội sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản, từng bước đưa hàng nông sản lên giao dịch tại các trang điện tử.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ham-tan-ho-tro-nong-dan-phat-trien-san-xuat-95233.html