Hàm Yên xây dựng vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa

Sau hơn hai năm thực hiện nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, kinh tế-xã hội huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã có những bước chuyển tích cực. Nổi bật nhất là trên địa bàn huyện đã hình thành được những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Ðiểm nổi bật sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Ðảng bộ xã Minh Hương là đã thực hiện được việc quy hoạch và xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản với diện tích 50 ha mỗi vụ. Ðây là giống lúa thơm của xã từ lâu đã được người tiêu dùng trong tỉnh biết tới, nhưng trước đây do sản xuất manh mún nên chưa trở thành hàng hóa. Như vậy, một trong những mục tiêu mà đại hội nhiệm kỳ này của xã đề ra đã được hoàn thành sớm. Xây dựng vùng chuyên canh lúa đặc sản ở các địa phương khác không phải là vấn đề lớn nhưng với xã Minh Hương, một xã vùng sâu của huyện Hàm Yên thì còn nhiều khó khăn. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đường sá đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Ðình Chu cho biết: Khi xây dựng nghị quyết đại hội, cấp ủy, chính quyền đặt ra quyết tâm xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản tập trung nhằm tạo ra "cú huých" không chỉ nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên mỗi héc-ta gieo trồng để nâng mức thu nhập cho người dân mà còn tạo bước chuyển trong nhận thức về sản xuất hàng hóa cho bà con nông dân. Vì ở đây, dù đồng đất thì phù hợp nhưng trình độ sản xuất của bà con người dân tộc thiểu số trong xã vẫn quen nếp cũ, tự cung, tự cấp.

Ðể xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất lúa là cả một câu chuyện dài trong công tác vận động nhân dân. Từ việc cử cán bộ trong Ban Thường vụ Ðảng ủy xã cùng chi bộ thôn xây dựng, triển khai nghị quyết đến tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng; thực hiện nghiêm lịch gieo cấy và biện pháp thâm canh phòng, trừ sâu bệnh. Sau hai năm thực hiện, cây lúa thơm đặc sản Minh Hương không chỉ cho năng suất ổn định (từ 2,4-2,6 tạ/sào) mà sản phẩm làm ra không đủ bán dù giá cao hơn nhiều so với giá các loại gạo khác.

Không chỉ riêng ở xã Minh Hương mà khu vực tám xã phía bắc của huyện Hàm Yên cũng đã được quy hoạch thành vùng chuyên sản xuất cam với thương hiệu cam sành nổi tiếng, một trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam. Ngay sau khi triển khai nghị quyết nhiệm kỳ, Huyện ủy Hàm Yên đã chỉ đạo xây dựng và ban hành một chương trình riêng về phát triển cây cam gắn với việc giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục duy trì và mở rộng các điểm bán hàng, nhằm ổn định giá bán trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cùng việc rà soát, bổ sung quy hoạch vùng cam tạo hành lang pháp lý để phát triển, huyện đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh tổ chức tập huấn đào tạo kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu, tổ chức hội thảo đối thoại chính sách công, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh cam trên địa bàn huyện. Thành lập các đoàn đi xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố nắm bắt thị trường. Mở hội nghị tiêu thụ đánh giá tình hình sản xuất, khả năng tiêu thụ cam, phân tích nhu cầu tiêu thụ của từng thị trường, xây dựng kế hoạch tiêu thụ, hướng dẫn nhân dân tổ chức tiêu thụ, tổ chức bán hàng. Tăng cường quảng bá thương hiệu Cam sành Hàm Yên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại. Do vậy, ngoài việc duy trì 2.174 ha cây cam đã cho sản phẩm, chỉ trong năm 2012 đã trồng mới 201 ha, đưa tổng số diện tích vùng cam của huyện lên 2.494 ha, đạt sản lượng hơn 28 nghìn tấn quả.

Hiện nay, ngoài vùng cam hàng hóa, Hàm Yên cũng đã quy hoạch và tập trung phát triển các vùng sản xuất, trong đó cây chè với 1.806 ha; vùng mía với 670,3 ha; mỗi năm đều vượt chỉ tiêu trồng rừng sản xuất với hơn 2.000 ha. Kinh tế phát triển nên tỷ lệ hộ gia đình nghèo ở huyện giảm đáng kể, chỉ trong năm 2012 đã giúp được 1.553 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 25,57%.

Bí thư Huyện ủy Hàm Yên Nguyễn Tiến Thắng cho biết: Do xuất phát điểm kinh tế của huyện còn thấp, nên ngay từ khi bàn thảo để xây dựng nghị quyết, Ban chấp hành Ðảng bộ huyện đã tập trung đánh giá kỹ tình hình địa bàn. Từ đó xác định chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; trong đó quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc xây dựng nghị quyết sát với điều kiện thực tiễn đã đem lại hiệu quả cao, kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ gia đình nghèo giảm.

Xác định đúng hướng đi và tập trung lãnh đạo để đưa nghị quyết của Ðảng sớm vào cuộc sống, đó là bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Ðảng ở Hàm Yên.

Bài và ảnh: HẢI CHUNG

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20038502-.html