Hamas bất ngờ tấn công từ nhiều hướng, Israel tuyên bố trạng thái chiến tranh

Sau cuộc tấn công bất ngờ từ lực lượng Hamas sáng sớm nay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đất nước đang 'có chiến tranh'.

Khói bốc lên ở khu vực Rehovot khi tên lửa được phóng từ Dải Gaza ngày 7/10. (Ảnh: Reuters)

Khói bốc lên ở khu vực Rehovot khi tên lửa được phóng từ Dải Gaza ngày 7/10. (Ảnh: Reuters)

“Hỡi công dân Israel, chúng ta đang có chiến tranh – không phải trong một chiến dịch, không phải trong các cuộc tập trận, mà là chiến tranh,” ông Netanyahu nói trong thông điệp qua video.

Quân đội Israel cho biết hàng chục máy bay chiến đấu của họ đang tấn công "một số mục tiêu" thuộc về Hamas ở Gaza, nhưng không nói cụ thể.

Trung tá Richard Hecht, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cho biết trong cuộc họp báo sáng nay rằng các tay súng Hamas đã tiến vào Israel từ Gaza bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không bằng dù lượn.

Ông cho biết quân đội sẽ triệu tập hàng nghìn quân dự bị. Khi được hỏi liệu IDF có coi đây là việc tham chiến hay không, ông Hecht nói: "Đây là trạng thái sẵn sàng chiến tranh".

Người phát ngôn của IDF cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel đã phát động chiến dịch "Những thanh kiếm sắt" chống lại Hamas sau cuộc tấn công bất ngờ của nhóm chiến binh vào sáng sớm nay.

Trước đó, ông Muhammad Al-Deif, chỉ huy quân đội Hamas, cho biết lực lượng này đang phát động một chiến dịch mang tên “Bão Al-Aqsa” nhắm vào “các vị trí, sân bay và mục tiêu quân sự của kẻ thù”.

Theo số liệu từ hai bệnh viện, ít nhất 100 người đã bị thương trên khắp Israel trong các cuộc tấn công từ Gaza.

Đợt tấn công bằng tên lửa và xâm nhập bất ngờ của Hamas vào Israel diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến 1973. Đó là cuộc tấn công bất ngờ của các nước Ả-rập nhằm vào Israel ngày 6/10/1973.

Israel gọi cuộc chiến đó là Chiến tranh Yom Kippur, vì trận chiến chớp nhoáng bắt đầu vào Yom Kippur, ngày linh thiêng nhất trong Lịch Do Thái. Người Do Thái thường kỷ niệm ngày này bằng cách ăn chay và ăn năn về tội lỗi của mình trong năm trước.

Cuộc chiến bắt đầu khi Ai Cập và Syria triển khai quân với hy vọng có thể chiếm lại Cao nguyên Golan và Bán đảo Sinai mà Israel chiếm giữ từ cuộc chiến tranh 6 ngày 1967.

Ả-rập Xê-út, Kuwait, Libya, Algeria, Tunisia, Sudan, Maroc và Jordan đã hỗ trợ Ai Cập và Syria bằng quân đội, tài chính và vũ khí. Liên Xô tiếp tế cho lực lượng Ả Rập, còn Mỹ viện trợ cho Israel.

Chiến tranh kết thúc với việc quân Israel tiếp cận Damascus và toàn bộ quân đội Ai Cập bị bao vây.

Bình Giang

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hamas-bat-ngo-tan-cong-tu-nhieu-huong-israel-tuyen-bo-trang-thai-chien-tranh-post1576026.tpo