Hamas sẽ chuyển trụ sở đi đâu?
Theo The National - tờ báo có trụ sở tại UAE, chính phủ Iraq đã phê chuẩn việc mở văn phòng cho phong trào Hamas của người Palestine ở Baghdad.
Chuyên gia quân sự Yuri Lyamin tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) nói rằng việc các nhà lãnh đạo Hamas từ Qatar chuyển sang Iraq có thể là một phản ứng trước áp lực ngày càng gia tăng mà Doha đang phải đối mặt từ Washington.
"Giới lãnh đạo Mỹ đang cố gắng sử dụng đòn bẩy của mình đối với Qatar để gây ảnh hưởng lên bộ chính trị Hamas và buộc họ phải đồng ý với các điều khoản rất mơ hồ về một thỏa thuận ngừng bắn với Israel, mà Mỹ đang thúc đẩy. Do đó, Hamas đang cân nhắc một địa điểm dự phòng trong trường hợp áp lực lên Qatar trở nên quá mạnh".
Ông lưu ý rằng theo như chúng tôi biết, giới lãnh đạo chính trị của Hamas có thể chỉ đang cân nhắc động thái như vậy.
Khi các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza bị đình trệ, ban lãnh đạo chính trị Hamas được cho là đang chuẩn bị chuyển từ Qatar sang Iraq trong một động thái được chính phủ Iraq chấp thuận vào tháng 5.
Quyết định này được cho là được đưa ra do áp lực ngày càng tăng đối với nhóm từ Doha và Mỹ liên quan đến các cuộc đàm phán ngừng bắn. Báo cáo cũng đề cập rằng Iraq dự kiến sẽ cung cấp sự bảo vệ cho các nhà lãnh đạo Hamas và văn phòng của họ ở Baghdad.
Các cuộc thảo luận về quyết định này được cho là đã diễn ra vào tháng trước giữa lãnh đạo chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, và đại diện của chính phủ Iraq và Iran.
Ông Haniyeh cũng được cho là đã thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani. Ngoài ra, Hamas gần đây đã thành lập một văn phòng chính trị ở Baghdad, do quan chức cấp cao Mohammed Al Hafy đứng đầu.
Trong khi một nghị sĩ cấp cao giấu tên của Iraq được cho là đã xác nhận quyết định của chính phủ tiếp đón Hamas, nhóm này dường như đã phủ nhận các báo cáo.
Izzat Al-Rishq, một thành viên văn phòng chính trị của Hamas, được cho là đã tuyên bố trên tài khoản Telegram của mình: "Không có sự thật trước những cáo buộc rằng Hamas có kế hoạch rời Qatar và tới Iraq".
"Tuy nhiên, nếu các báo cáo được xác nhận, Iraq có thể trở thành địa điểm mới thuận tiện cho văn phòng chính trị của phong trào Hamas", chuyên gia Yuri Lyamin lưu ý.
Học giả này cho biết thêm, nhà chức trách Iraq có khả năng đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán với Mỹ và các nước phương Tây khác.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng mạnh mẽ của Iran, Mỹ sẽ không thể gây nhiều áp lực lên chính quyền Iraq như trong trường hợp của Qatar, chuyên gia này nhấn mạnh. Nhưng học giả Lyamin cũng lưu ý những điều sau:
"Thực sự có một rủi ro khác: Israel có thể cố gắng thực hiện các cuộc không kích chống lại đại diện của giới lãnh đạo Hamas trên lãnh thổ Iraq. Trong khi tại Qatar không hề có mối đe dọa nào như vậy".
Nhưng xét cho cùng, các quyết định quan trọng trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza không phụ thuộc vào vị trí của văn phòng chính trị Hamas ở nước ngoài, nhà nghiên cứu cấp cao nhận xét, mà phụ thuộc vào lập trường của đại diện ban lãnh đạo nhóm này tại Dải Gaza.
Cân nhắc về thực tế là Hamas đang nhấn mạnh rằng Nga phải là một trong những người bảo đảm cho lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, chuyên gia Lyamin nói:
"Hamas không tin tưởng Mỹ vì nước này tích cực ủng hộ Israel. Theo đó, Hamas muốn có những người bảo lãnh độc lập như Nga, Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ".
Kế hoạch di chuyển ban lãnh đạo chính trị của Hamas được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza bị đình trệ do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian.
Musa Abu Marzouk, phó giám đốc văn phòng chính trị của Hamas, gần đây đã đến Nga để đàm phán với Bộ Ngoại giao Nga. Trong một tuyên bố với RIA, ông Abu Marzouk bày tỏ mong muốn của Hamas là Nga sẽ là một trong những bên bảo lãnh cho thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
"Chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng Nga là nước bảo đảm cho một thỏa thuận ngừng bắn như vậy, bởi vì rõ ràng Mỹ đứng về phía Israel... Lập trường của Nga công bằng hơn, được tất cả các bên chấp nhận hơn và sẵn sàng hành động theo hướng này.
Chúng tôi muốn chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ và ảnh hưởng một chiều của nước này đối với vấn đề Palestine", ông Marzouk khẳng định.
Ông nhấn mạnh rằng không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Hơn nữa, Hamas vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào về các sửa đổi mà họ đề xuất cho văn bản của tài liệu.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hamas-se-chuyen-tru-so-di-dau-post689652.html