Hạn chế của doanh nghiệp cơ khí trong xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 45,8 tỷ USD, tăng hơn 19% so với năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong 10 năm trở lại đây, song thị phần xuất khẩu chủ yếu thuộc các doanh nghiệp FDI. Đối tác đánh giá doanh nghiệp cơ khí Việt Nam còn một số hạn chế để tăng năng lực cạnh tranh.
Với khoảng 30 nghìn doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam đạt 16,5% so với năm 2021.
Cụ thể, đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Tại diễn đàn "Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí", ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết: Qua làm việc với nhiều khách hàng đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật trong thời gian qua, các đối tác đánh giá doanh nghiệp cơ khí Việt Nam còn có một số hạn chế như kỹ năng tìm kiếm khách hàng qua các kênh như hội nghị, triển lãm, thương mại điện tử còn hạn chế; chưa có các mặt hàng cơ khí truyền thống... Bên cạnh đó, khâu tổ chức sản xuất chưa tốt trong khi các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước bạn có trình độ chuyên môn hóa cao nên giá thành sản phẩm chào bán với đối tác ở mức cạnh tranh.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí hạn chế cũng bởi các doanh nghiệp phải nhập một số nguyên liệu, khó khăn trong việc tìm hiểu quy định luật thương mại quốc tế tại một số thị trường như châu Âu, Mỹ, châu Phi, kể cả các thông tin tài chính của khách hàng nên chưa tự tin trong hoạt động xuất nhập khẩu. Trong khi đó, việc tiếp thị sản phẩm sang một số thị trường mới còn hạn chế, nhất là tại thị trường châu Phi.
Đây là thị trường được đánh giá là có nhiều tiềm năng xuất khẩu với doanh nghiệp cơ khí, nhất là doanh nghiệp chế tạo và sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tìm hiểu và tiếp thị sản phẩm tại thị trường này hiện còn một số hạn chế bởi đây khách hàng mới này không chỉ xa về mặt địa lý mà còn có nhiều khác biệt về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, nhất là lo ngại rủi ro trong thanh toán.
Để mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành. Đó là hỗ trợ tăng cường kết nối, tiếp xúc giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, hiệp hội đối tác của các thị trường để trao đổi, hợp tác phát triển kinh doanh sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận đối tác qua thương mại điện tử - một kênh thông tin hiệu quả và là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.
Đặc biệt là thông tin tổng hợp về nhu cầu sản xuất, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước cần được thực hiện thường xuyên và cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử để các doanh nghiệp cơ khí có thể dễ dàng tham khảo. Nhiều năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay chưa có tổng kết xem kết quả chúng ta đã thực hiện, lĩnh vực nào đang "hot" cần được đầu tư, ngành hàng nào chưa nên đầu tư. Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo chính sách cơ chế quy định thương mại quốc tế cho doanh nghiệp; giới thiệu quảng bá thị trường và doanh nghiệp cơ khí Việt Nam với các bạn quốc tế.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/han-che-cua-doanh-nghiep-co-khi-trong-xuat-khau-159968.html