Hạn chế đau lưng sau sinh mổ
Đau lưng sau sinh mổ là tình trạng hay gặp. Nếu chủ quan không điều trị để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Nguyên nhân đau lưng sau sinh mổ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến đau lưng sau sinh mổ, đó là:
Tăng cân quá nhiều. Có những trường hợp khi mang thai tăng tới 20kg. Điều này ảnh hưởng cột sống vì chịu áp lực từ trọng lượng của chính mình và trọng lượng từ thai nhi.
Tư thế thay đổi: Mang thai làm thay đổi trọng tâm của cột sống nói riêng và cơ thể nói chung. Điều này có thể dẫn đến hình thành những cơn đau cột sống thắt lưng hoặc tình trạng căng khối cơ lưng gây đau.
Tác dụng phụ khi gây tê tủy sống. Hầu hết sinh mổ có gây tê tủy sống đều bị đau lưng.
Thay đổi Hormone: Trong khi mang thai, cơ thể tạo ra một loại hormone được gọi là relaxin. Hoạt chất này có thể giúp các dây chằng cột sống và chậu hông được nới lỏng, dẫn đến mất ổn định trục cột sống, đồng thời có thể gây tăng nguy cơ viêm khớp và dây chằng.
Căng thẳng, stress: Cảm xúc căng thẳng, lo âu sau sinh hoặc khi chăm con có thể gây căng cơ, đặc biệt cơ ở lưng.
Loãng xương. Hay gặp hơn ở những thai phụ lớn tuổi, gây mất tính ổn định vững chắc của xương, trong đó có cột sống và xương chậu, từ đó gây tổn thương cho các tổ chức ở các vùng này và cuối cùng là gây nên các cơn đau lưng cấp tính hoặc mãn tính.
Quá trình viêm: Viêm thường xảy ra do sự lỏng lẻo các khớp, dây chằng liên quan đến cột sống thắt lưng và khung chậu. Lúc này, cơ thể phản ứng bằng cách thay đổi tư thế, co cứng khối cơ và dây chằng. Phản ứng bảo vệ này tạo nên vòng luẩn quẩn gây đau đớn nhiều hơn ở phụ nữ sau sinh mổ.
Cho con bú sai cách: Cho bé bú không đúng tư thế có thể làm các cơn đau lưng trầm trọng hơn.
Thiếu chất
Hạn chế đau lưng sau sinh mổ
Nghỉ ngơi. Sau khi sinh mổ, cơ thể cần thời gian để hồi phục. Hãy tìm một tư thế nằm thoải mái, có thể kê gối dưới lưng hoặc giữa hai chân để giảm áp lực lên cột sống. Tránh làm những công việc nặng để giảm các lực tác động lên vùng lưng.
Giữ đúng tư thế. Tư thế cho con bú sai sẽ gây tác động đến phần cột sống cổ và thắt lưng. Chú ý khi cho con bú, nên chọn một tư thế thoải mái, tránh gập hay cúi người quá lâu. Bà mẹ nên thường xuyên thay đổi tư thế khi cho con bú, kết hợp với vận động cơ thể, ví dụ như lắc cổ, xoay, vặn nhẹ phần thắt lưng... để giúp giảm đau nhức, mệt mỏi. Nếu có thể, hãy ngồi trên ghế có tựa lưng.
Cải thiện chế độ ăn uống. Cần có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để kịp thời bù đắp lại các khoáng chất mất đi trong quá trình sinh mổ, trong đó đặc biệt là canxi. Tăng cường những thực phẩm giàu sắt như lòng đỏ trứng gà, thịt bồ câu, tim cật heo, các loại đậu... Ăn nhiều trái cây tươi, uống nhiều nước.
Tập thể dục và vận động nhẹ nhàng. Nên đi bộ, tập yoga.
Chườm. Có thể chườm nóng, lạnh: Sử dụng túi chườm nóng hoặc lạnh lên vùng lưng đau có thể mang lại sự thoải mái. Chườm từ 15-20 phút sẽ giúp giảm đau hiệu quả.
Sử dụng các bài thuốc nam. Lá ngải cứu, lá lốt, rang nóng hoặc tẩm rượu. Sau đó, cho vào chiếc khăn mỏng và chườm nóng lên vùng lưng bị đau.
Massage và bấm huyệt. Có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, đồng thời đánh tan các cơn đau hiệu quả. Ngoài ra, phương pháp này còn có tác dụng đẩy lùi căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái hơn. Vật lý trị liệu có thể được thực hiện tại những trung tâm chăm sóc mẹ sau sinh hoặc thực hiện tại nhà.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/han-che-dau-lung-sau-sinh-mo-169241125153710616.htm