Hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Mâu thuẫn và làm ảnh hưởng đến vai trò giám sát của báo chí

Xung quanh quy định hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi (dự thảo luật), Báo Quân đội nhân dân tiếp tục nhận được ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Các ý kiến đều cho rằng, nếu quy định này được thông qua sẽ gây mâu thuẫn với quy định của Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin hiện hành; vi phạm quyền tiếp cận thông tin của người dân, hạn chế hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật...

Ông LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội:

Tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp là có lợi cho ngành tòa án

Tôi thấy Luật Báo chí năm 2016 đã quy định rất rõ là tạo mọi điều kiện để phóng viên, cơ quan báo chí hoạt động, làm tốt chức năng, nhiệm vụ. Đó là một "chìa khóa mở" đối với hoạt động hành nghề của báo chí, nên nếu các luật khác mà hạn chế lại thì sẽ xung đột với Luật Báo chí về pháp lý.

Các kỳ đại hội Đảng, hoạt động của Quốc hội, phiên họp Chính phủ... chúng ta cũng rất cởi mở cho báo chí vào tác nghiệp, trừ những phiên cần phải họp kín vì có liên quan đến vấn đề về nhân sự, quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia... thì mới cần hạn chế báo chí và đều được ghi rõ trong chương trình. Tương tự, đối với những phiên xét xử kín do có liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật quân sự, ảnh hưởng tới những vấn đề về đối ngoại... thì mới cần hạn chế báo chí và đã được pháp luật quy định.

Bởi vậy, các phiên xét xử công khai thì không thể hạn chế báo chí vì báo chí đưa tin rộng rãi hoạt động của tòa án thì sẽ giúp ngành tòa án hoạt động có hiệu quả hơn, khẳng định tính hợp pháp, công khai của tòa án, đồng thời giúp tuyên truyền pháp luật đến người dân... Như vậy, việc tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp tại các phiên xét xử công khai chỉ có lợi cho ngành tòa án.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh diễn ra vào tháng 3-2024. Ảnh: NGỌC THÀNH

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh diễn ra vào tháng 3-2024. Ảnh: NGỌC THÀNH

Tiến sĩ PHAN VĂN KIỀN, Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Vi phạm quyền tiếp cận thông tin của công chúng

Một trong những nguyên tắc đạo đức cơ bản và quan trọng đối với người làm báo là phải thông tin trung thực. Và để bảo đảm không sai lệch thông tin trong quá trình sản xuất sản phẩm báo chí, họ được phép ghi âm khi đưa tin hoặc phỏng vấn.

Nói như vậy để thấy, ghi âm, ghi hình là hoạt động nghiệp vụ cơ bản của nhà báo. Việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại các phiên tòa công khai cũng được quy định rõ ở điểm d khoản 2 Điều 25, Luật Báo chí năm 2016. Hơn nữa, việc đưa tin của nhà báo chính là thực hiện nhiệm vụ thông tin rộng rãi cho công chúng về các hoạt động của đời sống chính trị-xã hội đã, đang và sẽ diễn ra, phục vụ quyền được tiếp cận thông tin của rộng rãi công chúng.

Với một phiên tòa công khai thì công chúng có quyền được biết các thông tin diễn ra tại phiên tòa. Như vậy, trong trường hợp này, người làm báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là đang thực hiện nghiệp vụ nghề nghiệp để thay mặt người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin tại phiên tòa. Do đó, nếu cấm nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai là vi phạm quyền tiếp cận thông tin của công chúng.

Ở một góc độ khác, nhà báo có mặt để đưa tin tại phiên tòa công khai là đang thực hiện chức năng giám sát xã hội của báo chí, cũng là thay mặt người dân giám sát quá trình diễn ra của phiên tòa cũng như hoạt động của hội đồng xét xử.

Ghi âm, ghi hình giúp việc giám sát xã hội bảo đảm chặt chẽ, trung thực và khách quan. Vì vậy, để hạn chế thông tin sai lệch, xuyên tạc, dự thảo Luật chỉ nên giới hạn đối tượng được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chứ không thể cấm tất cả báo chí. Chẳng hạn như, chỉ những người có thẻ nhà báo còn thời hạn hoặc có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí mới được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai. Như vậy sẽ hợp lý hơn và không mâu thuẫn với Luật Báo chí, đặc biệt là Luật Tiếp cận thông tin hiện hành.

----------

Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Chưa bảo đảm nguyên tắc tòa án xét xử công khai

Khi tòa án đã xét xử công khai thì mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, không được hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí. Công khai diễn biến phiên tòa không chỉ là yêu cầu chính đáng của nhân dân, là cơ sở để thực hiện quyền giám sát hoạt động tư pháp của nhân dân mà còn là nhiệm vụ của tòa án để thể hiện uy quyền, vị thế trong thực hiện quyền tư pháp và nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, tăng hiệu quả trong công tác xét xử.

Nếu thẩm phán có trình độ, có bản lĩnh, công tâm, khách quan thì không ngại gì việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Ngược lại, việc công khai diễn biến phiên tòa, kết quả xét xử là một hình thức phổ biến pháp luật, cho thấy tính chất nghiêm minh của pháp luật và sự công tâm, khách quan của hoạt động xét xử. Với các cơ quan báo chí thì việc ghi âm, ghi hình là hoạt động tác nghiệp để có thông tin, tư liệu cho hoạt động đưa tin về diễn biến phiên tòa. Nếu quyền này bị hạn chế thì không bảo đảm được quyền hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.

Trường hợp báo chí tham dự phiên tòa để đưa tin thì cần phải đưa tin đầy đủ diễn biến phiên tòa, đặc biệt là diễn biến phần tranh tụng tại phiên tòa (xét hỏi và tranh luận). Nếu báo chí chỉ đưa tin phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và kết quả xét xử từ việc ghi nhận nội dung bản án thì sẽ không phản ánh được bản chất của vụ án, hoạt động tố tụng đã đúng hay chưa, kết quả xét xử có công bằng không...

Vì thế, dự thảo Luật đưa ra quy định hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai là chưa thể hiện được nguyên tắc xét xử công khai, xung đột với quy định của Luật Báo chí năm 2016 về quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo tại phiên tòa, chưa bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng ở nước ta.

----------

Luật sư NGUYỄN THU ANH, Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn và cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Phải tạo điều kiện tốt nhất để báo chí làm tốt chức năng, nhiệm vụ

Tôi thấy đề xuất hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai của dự thảo Luật không bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Điều đó đồng nghĩa với việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân và mâu thuẫn với Luật Báo chí năm 2016. TAND là cơ quan đại diện Nhà nước xét xử các vụ án nên việc báo chí thông tin các phiên xét xử công khai phải được coi là hoạt động bình thường, vừa nâng cao kiến thức pháp luật, vừa có tính răn đe với cộng đồng.

Ghi âm, ghi hình là hoạt động nghiệp vụ cơ bản của nhà báo khi tác nghiệp để bảo đảm thông tin chính xác, khách quan nên càng không thể quy định việc ghi hình ảnh tại phiên tòa chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc, tuyên án, công bố quyết định của phiên tòa. Bởi ngoài những kiến thức, kỹ năng, nhà báo còn cần nắm bắt những diễn biến, nội dung xét xử để đối chiếu, kiểm chứng thông tin trước khi đăng, phát và chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Việc hạn chế ghi âm, ghi hình là gây khó dễ với nhà báo, nhất là đối với những vụ việc lớn, có nhiều tình tiết phức tạp, phải xét xử dài ngày, dữ liệu thông tin nhiều.

Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân nên cần phải được tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ. Theo tôi, không có cơ sở khi cho rằng ghi âm, ghi hình của nhà báo làm ảnh hưởng tới quá trình xét xử, tính tôn nghiêm của phiên tòa. Đối với những vụ xét xử có nhiều nhà báo, phóng viên, để bảo đảm an ninh trật tự thì có thể cho phép phóng viên ghi âm, ghi hình tại khu vực riêng có kết nối truyền hình trực tiếp.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/han-che-ghi-am-ghi-hinh-tai-phien-toa-mau-thuan-va-lam-anh-huong-den-vai-tro-giam-sat-cua-bao-chi-781967