Hạn chế rác thải nhựa trong hoạt động du lịch
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh về cả lượng khách quốc tế và trong nước, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng xả thải rác gia tăng tại không ít điểm đến du lịch nổi tiếng, trong đó có lượng lớn rác thải khó phân hủy như chai lọ, túi, bao bì nhựa..., đã tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh về cả lượng khách quốc tế và trong nước, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng xả thải rác gia tăng tại không ít điểm đến du lịch nổi tiếng, trong đó có lượng lớn rác thải khó phân hủy như chai lọ, túi, bao bì nhựa..., đã tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2018, Việt Nam thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác thải nhựa toàn thế giới. Việt Nam cũng đứng thứ tư thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển. Trong Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tính bền vững về môi trường của Việt Nam được đánh giá rất thấp, chỉ xếp hạng 129 trong số 136 quốc gia…
Mới đây, tại Hội thảo “Du lịch không rác thải nhựa” do Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức, nhiều con số khiến cử tọa giật mình. Bình quân mỗi ngày, toàn tỉnh Quảng Nam thải ra 660 tấn rác, riêng Hội An là 92 tấn, và đáng lo ngại là lượng rác thải nhựa chiếm tới 18 đến 20%. Tại Phú Quốc (Kiên Giang), theo báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), mỗi ngày phát sinh khoảng 155 tấn rác, nhưng chỉ thu gom được 91 tấn. Lượng rác thải nhựa do người dân thu hồi là 10,8 tấn/ngày, chỉ chiếm 33,6% tổng lượng rác thải nhựa phát sinh… Khi mà du lịch xanh đang trở thành xu hướng tất yếu và khách du lịch ngày càng quan tâm tới yếu tố thân thiện của môi trường thì tình trạng quá tải rác thải nhựa ở nhiều khu, điểm du lịch chắc chắn sẽ làm những điểm đến này “mất điểm”.
Trên thực tế, thời gian gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc cần thiết và cấp bách bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, một số doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp du lịch uy tín đã tiên phong tìm cách hạn chế rác thải nhựa bằng những hành động cụ thể. Chẳng hạn, thay vì phát nước uống bằng những chai nhựa nhỏ thì chuyển sang đựng nước trong các bình lớn; phòng họp, khách sạn chuyển sang dùng cốc, chai thủy tinh để có thể tái sử dụng; ống hút nhựa được thay thế bằng ống hút sử dụng vật liệu thân thiện như gạo, tre, i-nốc… Một số đơn vị lữ hành còn phát triển các tua du lịch nhặt rác trên các nhánh sông hay trong hành trình trekking đường rừng… Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những người làm trong lĩnh vực du lịch đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự tự thay đổi của một số doanh nghiệp “đầu tàu” là chưa đủ. Do đó, để mang lại những kết quả đáng kể trong việc quyết liệt hạn chế rác thải nhựa từ hoạt động du lịch, cần có một chiến lược mang tính toàn diện, cụ thể với sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, một số nước trên thế giới quy định các doanh nghiệp muốn kinh doanh du lịch hay gia nhập các hiệp hội, tổ chức du lịch phải đưa ra được chương trình hành động và cam kết thực hiện kinh doanh bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường. Từ kinh nghiệm hay của các nước, cơ quan quản lý du lịch của Việt Nam cần triển khai sớm việc áp dụng trên diện rộng các tiêu chí chứng nhận nhãn du lịch bền vững, du lịch xanh, tiết kiệm năng lượng… cho các cơ sở kinh doanh du lịch để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường. Việc chứng nhận cũng giúp các đơn vị khẳng định được uy tín, tăng cường trách nhiệm, nâng cao khả năng thu hút du khách.
Bên cạnh đó, qua các phương tiện truyền thông, cần kêu gọi, vận động người dân, du khách cùng tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, tiết kiệm điện, nước; có cơ chế khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, sản xuất các vật liệu thay thế. Về phía các doanh nghiệp du lịch, cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm như ống hút, cốc, bát, đũa… bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần; lựa chọn sử dụng bao bì hữu cơ, sử dụng nhiều lần, các hóa chất tẩy rửa, đồ dùng, vật liệu thân thiện với môi trường, có nhãn bảo vệ môi trường…; phát tài liệu, hướng dẫn du khách tôn trọng các quy định về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.