Hạn hán kéo dài đe dọa mùa na 2025
Cây na là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Lạng Sơn. Do hạn hán kéo dài, những tháng gần đây, quá trình sinh trưởng của cây na bị chậm lại, gây ảnh hưởng đến thời điểm thụ phấn, dẫn đến nguy cơ chậm vụ thu hoạch năm nay.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 4.200 ha cây na, tập trung chủ yếu ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Trong đó, huyện Chi Lăng có khoảng 2.500 ha, huyện Hữu Lũng có khoảng 1.700 ha. Cây na chủ yếu được trồng trên các sườn núi đá vôi dốc, hiểm trở, với độ cao từ chân núi đến gần đỉnh núi khoảng 800 m. Những tháng gần đây do hạn hán kéo dài, quá trình sinh trưởng của cây na bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là tại các vùng đồi núi cao, do thiếu độ ẩm, dưỡng chất nên cây na vẫn chưa ra lá non.

Cây na tại vùng núi cao chưa ra được lộc non do hạn hán (Ảnh chụp tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng)
Có mặt tại vườn na trên núi đá của gia đình bà Trương Thị Ban, thôn Than Muội, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, chúng tôi được biết, vào thời điểm này các năm trước, gia đình bà Ban đã rục rịch chuẩn bị thụ phấn na. Thế nhưng năm nay, sau nhiều tháng không có cơn mưa lớn nào, phần lớn diện tích na trên các sườn núi đá vẫn trơ cành, chưa nảy mầm xanh chứ đừng nói đến ra hoa.
Bà Ban chia sẻ: "Đây là năm hiếm hoi cây na ở đây phải chịu cảnh khô hạn kéo dài như vậy. Nắng hạn kéo dài, gia đình tôi cũng không dám bón bất cứ loại phân nào vì phân sẽ không thấm được vào đất, sẽ gây hại cho cây. Một số gốc na trên núi cao đã bị chết do hạn hán. Mong sao sớm có mưa để cây đủ độ ẩm cho sinh trưởng, ra hoa kịp thời vụ".

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây na thuộc hộ dân xã Mai Sao
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chi Lăng, hiện chỉ có khoảng 10% diện tích na của toàn huyện (khoảng 250 ha) chủ động được nước tưới, diện tích còn lại đang phải chịu cảnh khô hạn. Đặc biệt, các xã vùng cao như: Thượng Cường, Gia Lộc, Vạn Linh, Bằng Hữu, Bằng Mạc, Hòa Bình, Y Tịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi không thể chủ động được nguồn nước tưới cho cây. Mặt khác, cũng do hạn hán nên năm nay, người dân chưa trồng cây mới, hoặc nếu có cũng chỉ là diện tích nhỏ lẻ không đáng kể.
Tương tự tại huyện Chi Lăng, do hạn hán ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, nhiều diện tích na ở huyện Hữu Lũng cũng bị chậm quá trình ra lá, trổ hoa. Thậm chí một số nơi trong huyện còn có cây na bị chết do không chống chọi được khô hạn. Hiện nay, số diện tích na chủ động được nước tưới của toàn huyện cũng chỉ khoảng 170 ha, tương đương 10%.
Người trồng na ở huyện đang từng ngày lo lắng, mong sớm có mưa để cây na có đủ độ ẩm, dưỡng chất, sinh trưởng tốt và trổ hoa. Ông Nông Viết Đằng, thôn Đằng, xã Yên Sơn lo lắng: "Nhìn những cây na ở trên núi cao bị hạn, chết khô mà gia đình tôi rất xót ruột. Gia đình tôi cả năm chỉ trông chờ vào cây na. Giờ thì trông chờ vào trời mưa thôi. Thời gian này, những cây nào trồng ở chỗ thấp thì gia đình đang tập trung tưới nước".

Khoảng 90% diện tích na tại huyện Hữu Lũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán (Ảnh chụp tại xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng)
Tình trạng thiếu nước không chỉ làm chậm sự phát triển của cây mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thụ phấn, yếu tố then chốt quyết định năng suất niên vụ na 2025.
Anh Lê Ngọc Hoàng, nghiên cứu viên Viện Bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định: "Tình hình hạn hán hiện nay đang gây ra những tác động rất rõ rệt đến sự phát triển của cây na. Cây sinh trưởng chậm, các cành non khó phát triển. Quá trình thụ phấn của hoa na cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước, dẫn đến tỷ lệ đậu quả có thể giảm đáng kể. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nguy cơ chậm trễ thời vụ thu hoạch là hoàn toàn có thể xảy ra".
Tại những vùng đất thấp hơn, người dân đã cố gắng tận dụng nguồn nước từ mương, sông, suối để tưới cho cây na. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, những cây na trên diện tích này đã có lá non nhưng màu sắc lá nhạt hơn hẳn so với mọi năm. Anh Lê Ngọc Hoàng cho biết thêm: "Đây là dấu hiệu cho thấy cây đang suy yếu do thiếu nước trong giai đoạn phát triển ban đầu”.

Nghiên cứu viên Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng kiểm tra, đánh giá tình hình hạn hán và sâu bệnh hại trên cây na tại huyện Chi Lăng
Hiện tại, trong bối cảnh hạn hán vẫn đang diễn ra, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chi Lăng và Hữu Lũng đang tích cực tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để ứng phó kịp thời; ưu tiên tưới nước cho những diện tích có điều kiện thuận lợi về nguồn nước (vùng thấp, gần sông, suối, ao hồ) đồng thời sửa dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm. Đối với những vườn na đã ra lá, bà con cần chủ động chăm sóc, bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh kịp thời để cây phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chọi với hạn hán...
Ông Hoàng Ngọc Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chi Lăng cho biết: Cây na là một loại cây có sức sống tốt. Khi có mưa trở lại, độ ẩm trong đất đủ, cây sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bình thường. Cùng với các biện pháp trên, hiện tại, nông dân cần tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại, đặc biệt là các loại sâu bệnh phát triển mạnh trong điều kiện khô hạn và có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Khi có mưa trở lại, cần có kế hoạch phục hồi vườn na, bón phân và chăm sóc để cây nhanh chóng phục hồi và phát triển. Đối với diện tích chưa trồng mới cần cân nhắc thời điểm xuống giống khi có đủ nguồn nước và điều kiện thời tiết thuận lợi...
Mặc dù tình hình hạn hán có diễn biến phức tạp, song với kinh nghiệm và sự cần cù của người trồng na tại Chi Lăng, Hữu Lũng, cùng sự hỗ trợ sát sao từ các cơ quan chuyên môn, hy vọng rằng nhiều diện tích na tiếp tục sinh trưởng và phát triển ổn định, đảm bảo duy trì ổn định năng suất và sản lượng na trong niên vụ 2025.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chi-lang-han-han-keo-dai-de-doa-tien-do-mua-vu-5044747.html