Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là chính sách tài khóa cần thiết
Các chuyên gia đề xuất, cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỉ lệ hiện tại.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia cho rằng, cần tăng mức thuế TTĐB đối với thuốc lá. Ảnh: Nguyễn Anh
Những cảnh báo từ thực tiễn
Tại buổi tập huấn với chủ đề "Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường" ngày 23/4, ThS. Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết,tỉ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến các chính sách tài khóa vì sự phát triển bền vững, tăng thuế thuốc lá là một giải pháp được khuyến nghị mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo Ths. BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Sử dụng thuốc lá gây ra gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động, mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã đề xuất các mức thuế đối với thuốc lá. Ảnh: Nguyễn Anh
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỉ đô la Mỹ. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Thuốc lá cũng chính là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỉ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, 12.000 đến 47.000 tấn nicotine, 300 đến 600 triệu kilogam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Liên quan đến chính sách thuế đối với thuốc lá, theo bà Hải, từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài. Vì vậy, việc tăng thuế có tác động, nhưng tác động rất ít tới tiêu dùng trong các năm đó.
Tăng thuế- công cụ tài khóa hữu hiệu
Trước thực trạng trên, chính sách tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá đang được xem xét như một công cụ tài khóa hữu hiệu nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng có hại. WHO và Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) đều khẳng định: “Các biện pháp về giá và thuế là công cụ quan trọng và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt trong giới trẻ và người có thu nhập thấp”.
Luật Thuế TTĐB sửa đổi dự kiến được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, khóa XV, đặt mục tiêu định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe, bao gồm thuốc lá. Cùng với đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng khẳng định rõ định hướng: “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như thuốc lá.”
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Đầu tư hiện hành đều quy định thuốc lá là sản phẩm hạn chế kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu: đến năm 2030, thuế TTĐB thuốc lá phải chiếm ít nhất 70–75% giá bán lẻ, phù hợp với khuyến nghị của WHO.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, cải cách thuế TTĐB đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Mức thuế cao được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội và con người.
ThS.BS Phạn Thị Hải cho rằng, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn; Tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá.
Về mức thuế: cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỉ lệ hiện tại.
Phương án khuyến nghị cụ thể như sau: Năm 2026 , thuế TTĐB là 5.000 đồng/gói, thuế tỉ lệ ( % giá bán của nhà sản xuất, nhập khẩu) là 75%; năm 2027 thuế TTĐB là 7.500 đồng, thuế tỉ lệ là 75%; năm 2028 thuế TTĐB là 10.000 đồng/gói, thuế tỉ lệ là 75%; năm 2029 thuế TTĐB là 12.500 đồng/gói, thuế tỉ lệ là 75%; năm 2030 thuế TTĐB là 15.000 đồng/gói, thuế tỉ lệ là 75%.