Hạn hán vào mùa hè gia tăng gấp 20 lần do biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đã khiến cho tình trạng hạn hán trong mùa hè năm 2022 gia tăng gấp 20 lần.
Nghiên cứu mới cho biết những khu vực chịu hiện tượng khắc nghiệt này nhiều nhất là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến cho tình trạng hạn hán trong mùa hè năm nay gia tăng ít nhất 20 lần. Hạn hán đã làm khô cạn các con sống lớn, phá hủy mùa màng, gây cháy rừng, đe dọa các loài thủy sinh và dẫn đến khan hiếm nước ở châu Âu. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán đã xảy ra nghiêm trọng ở Mỹ, đặc biệt là khu vực phía tây.
Tuy nhiên, phía đông bắc Mỹ cũng ghi nhận xảy ra tình trạng hiếm gặp này. Theo hãng AP, Trung Quốc vừa trải qua mùa hè khô hạn nhất trong 60 năm, khiến sông Dương Tử co lượng nước thấp đến mức chỉ bằng 1/2 chiều rộng bình thường của nó.
Các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution cho biết nếu không có sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, loại hạn hán này sẽ chỉ xảy ra 400 năm/lần trên khắp Bắc bán cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh khí hậu nóng lên trên toàn cầu, các chuyên gia dự báo hiện tượng này sẽ tiếp tục phải lặp lại sau 20 năm.
"Các thảm họa sinh thái như hạn hán lan rộng và sau đó là lũ lụt lớn ở Pakistan cũng là dấu vết của biến đổi khí hậu", ông Maarten van Aalst, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia cho biết.
Những tác động của biến đối khi hậu đang trở nên rõ rệt hơn đối với người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ ở những nước nghèo như Pakistan mà còn cả những khu vực giàu có nhất trên thế giới.
Để tìm ra nguyên nhân của biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán ở Bắc bán cầu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thời tiết, mô phỏng máy tính và độ ẩm của đất ở khắp các khu vực nhưng không bao gồm các khu vực nhiệt đới. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng biến đổi khí hậu khiến tình trạng đất đang trở nên khô hạn thường xuyên hơn trong vài tháng qua.
Ông Dominik Schumacher, nhà khoa học khí hậu tại Trường Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) cho rằng, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,8 độ C thì tình trạng hạn hán như trên sẽ xảy ra 10 năm/ lần ở Tây Trung Âu và lần lượt hàng năm trên khắp Bắc bán cầu./.