Hân hoan mừng ngày chiến thắng
Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có trưng bày một lá cờ hình chữ nhật màu đỏ, ngôi sao vàng ở giữa, dài 122cm, rộng 77cm, làm bằng vải sa tanh cổ thêu kim tuyến.
Phía trên lá cờ thêu dòng chữ "Việt Nam-Dân chủ-Cộng hòa/ Độc lập-Tự do-Hạnh phúc", phía dưới lá cờ thêu ba chữ "Phố Hàng Mắm". Đây là cờ mà nhân dân phố Hàng Mắm, Hà Nội bí mật chuẩn bị để đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954. Lá cờ do đồng chí Bồ Bá Thuyết, Trưởng ban đại diện của nhân dân phố Hàng Mắm trao tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) ngày 25-7-1961.
Với tinh thần "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ", trong kháng chiến nhân dân phố Hàng Mắm luôn đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, thực dân Pháp nhận thấy phố Hàng Mắm thành phần kháng chiến đông nên đã tung nhiều gián điệp đến dò xét và đàn áp nhân dân. Thế nhưng, nhân dân vẫn một lòng hướng về cách mạng, tin tưởng vào ngày thắng lợi. Những tổ nghe đài kháng chiến được tổ chức kín đáo, nhân dân theo dõi từng giờ, từng phút các tin chiến thắng ngoài mặt trận. Bởi vậy, khi nghe tin quân ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ, nhận thấy việc giải phóng Thủ đô chắc chắn sẽ không còn bao lâu, nhân dân phố Hàng Mắm cùng nhau chuẩn bị công việc đón tiếp bộ đội về Hà Nội, trong đó bí mật chuẩn bị cờ, biển trang trí khu phố. Lá cờ được làm rất công phu và trong sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù.
Ngày 10-10-1954, trong rừng cờ hoa, trong niềm vui và xúc động vô hạn của nhân dân Thủ đô, lá cờ của nhân dân phố Hàng Mắm đã tung bay, chứng kiến phút giây lịch sử, khi Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng các đơn vị quân đội chia thành nhiều cánh quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Sau hơn 65 năm được giải phóng, Thủ đô đã và đang vươn lên mạnh mẽ. Nhân dân phố Hàng Mắm tích cực thực hiện các phong trào thi đua, khắc ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày Hà Nội được giải phóng: "Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh…".