Hạn mặn tăng nhanh, đe dọa hàng chục ngàn héc-ta lúa, hoa màu

Tổng cục Thủy lợi dự báo, trong tuần này, trên các sông Cửu Long, ranh mặn 4 gam/lít có thể xuất hiện ở phạm vi từ 45-55 km tính từ cửa biển. Hiện tượng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng khoảng 60.000 héc-ta diện tích sản xuất lúa của một số địa phương thuộc khu vực ven biển.Dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm nhanh ở các tháng đầu mùa cạn. Mặn có xu hướng tăng dần từ đầu tháng 12. Dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông có xu hướng giảm, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế thay đổi tùy thuộc vào triều.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lơn- Cái Bé sẽ được vận hành linh hoạt nhằm kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn. Ảnh: Cửu Long

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lơn- Cái Bé sẽ được vận hành linh hoạt nhằm kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn. Ảnh: Cửu Long

TTXVN dẫn thông tin từ Tổng cục Thủy lợi dự báo, trong tuần này, trên các sông Cửu Long, ranh mặn 4 gam/lít có thể xuất hiện ở phạm vi từ 45-55 km. Hiện tại, tình trạng xâm nhập mặn bắt đầu có dấu hiệu xảy ra vào các ngày triều cường, ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi từ 30-50 km tính từ cửa biển.

Trong tháng 2, ranh mặn lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xảy ra ở phạm vi từ 60-70 km, cao hơn cùng kỳ năm 2022 từ 5-7 km. Xâm nhập mặn này sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi thuộc phạm vi đến 60 km ở các đợt triều cường.

Còn trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã vận hành để bảo đảm việc kiểm soát của xâm nhập mặn.

Dựa vào dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023, Tổng cục Thủy lợi cho biết, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 60.000 héc-ta diện tích sản xuất lúa của một số địa phương thuộc khu vực ven biển. Còn đối với cây ăn trái, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng hơn 43.000 héc-ta diện tích đất trồng.

Tổng cục Thủy lợi đưa thông tin từ kiengiang.gov.vn, nhiều biện pháp được đề ra để chủ động ứng phó với tình trạng này như thực hiện việc nạo vét kênh, mương, đắp đập ngăn mặn theo thời vụ; vận hành hệ thống cống thủy lợi các vùng, khuyến cáo nông dân kiểm tra độ mặn của nước trước khi thực hiện tưới tiêu, không gieo xạ khi nguồn nước chưa đảm bảo.

Đại diện Chi cục thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh dự kiến gia cố 117 đập đất để ứng phó với nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ đời sống và sinh hoạt.

Vào đầu tháng 2, tại trạm Kratie, mực nước đo được là 7,5 m; cao hơn trung bình nhiều năm là 0,58 m; cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 0,82 m.

Mực nước lớn nhất ở trạm Tân Châu ngày 1-2 là 1,29 m; cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,16 m. Mực nước ở Châu Đốc đo được là 1,46 m; cao hơn năm 2020 là 0,17 m.

Tại Biển Hồ, dung tích ngày 1-2 đạt 8,15 tỉ m3; cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,35 tỉ m3; cao hơn năm 2020 khoảng 5,61 tỉ m3.

T.Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/han-man-tang-nhanh-de-doa-hang-chuc-ngan-hec-ta-lua-hoa-mau/