Hàn Quốc: 60% lao động nhập cư ngành đóng tàu muốn đổi việc
6 trong số 10 công nhân nhập cư tại các nhà máy đóng tàu ở Hàn Quốc muốn thay đổi công việc do lương thấp và điều kiện lao động khắc nghiệt.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, một cuộc khảo sát gần đây của Liên đoàn Công nhân kim loại Hàn Quốc (KMWU) cho thấy 6 trong số 10 công nhân nhập cư tại các nhà máy đóng tàu ở Hàn Quốc muốn thay đổi công việc do lương thấp và điều kiện lao động khắc nghiệt.
Trong cuộc khảo sát 410 lao động nước ngoài đến từ 10 quốc gia làm việc tại các nhà máy đóng tàu của HD Hyundai Heavy Industries, Hyundai Mipo Dockyard, Hyundai Samho Heavy Industries và Hanwha Ocean, 63,7% số người được hỏi cho biết họ có ý định chuyển đổi công việc sang các ngành khác.
Trong số đó, 67,2% cho rằng mức lương thấp so với cường độ lao động và 34,9% phàn nàn về việc được trả lương thấp hơn so với đồng nghiệp Hàn Quốc. Ngoài ra, 23,9% bày tỏ lo ngại về sự an toàn của môi trường làm việc. Đặc biệt, 60% công nhân đóng tàu nhập cư có tay nghề cao trả lời rằng họ muốn thay đổi công việc.
KMWU cho biết: “Để các công ty đóng tàu đảm bảo lực lượng lao động nước ngoài ổn định, họ nên ưu tiên tăng lương cho nhân viên hợp đồng phụ và cải thiện điều kiện lao động”.
Việc cắt giảm lương một phần là do biện pháp tạm thời của Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố vào tháng 1/2023 nhằm cho phép các công ty nhỏ trả 70% tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người của năm trước cho nhân viên có thị thực E-7.
Ngay cả khi xem xét biện pháp này, người lao động đáng lẽ nhận được ít nhất 2,46 triệu won (1.821 USD) mỗi tháng, nhưng phía chủ chỉ trả 2 triệu won tiền lương cơ bản và 300.000 won lương bổ sung, đồng thời khấu trừ tiền ăn (200.000 won) và tiền chỗ ở (100.000 won).
KMWU kêu gọi các công ty đóng tàu lớn hoàn thành trách nhiệm của mình bằng cách cải thiện điều kiện lao động và nhà ở cho công nhân đóng tàu nhập cư.
KMWU cho biết: “Mặc dù được chính phủ hỗ trợ tài chính, các công ty đóng tàu vẫn miễn cưỡng thuê công nhân toàn thời gian, phụ thuộc nhiều hơn vào lao động hợp đồng phụ và thuê ngoài. Do đó, các công ty đóng tàu nên nỗ lực tăng lương cho công nhân hợp đồng phụ tại xưởng đóng tàu của họ và bảo vệ các quyền cơ bản của công nhân nhập cư”./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/han-quoc-60-lao-dong-nhap-cu-nganh-dong-tau-muon-doi-viec/312608.html