Hàn Quốc: Ai sẽ là tổng thống kế nhiệm ông Yoon Suk-yeol?

Sau 4 tháng chìm trong bất ổn chính trị, Hàn Quốc đã có cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bị phế truất vì lệnh thiết quân luật ngắn ngủi mà ông đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Bây giờ, câu hỏi lớn nhất với người Hàn Quốc là ai sẽ kế nhiệm ông Yoon?

Dấu chấm hết cho ông Yoon

Ngày 4/4, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã bỏ phiếu với tỷ lệ 8/8, phế truất Tổng thống bị luận tội Yoon Suk-yeol. Các thẩm phán đã bác bỏ tuyên bố của nhà lãnh đạo 64 tuổi này rằng thiết quân luật là một hành động cần thiết để chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị ở đất nước. Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp cho biết, để giải quyết những vấn đề mà ông Yoon đề cập, không cần phải huy động quân đội.

8 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đều nhất trí phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol.

8 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đều nhất trí phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Như vậy là ông Yoon Suk-yeol - công tố viên đầu tiên trở thành Tổng thống của Hàn Quốc, người đã bị luận tội vào ngày 4/4 - phải chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của mình sau 1.060 ngày, tức là chỉ chưa đầy 3 năm tại vị. Với 111 ngày trong số đó bị đình chỉ chức vụ sau khi các nhà lập pháp thông qua động thái luận tội, ông Yoon thực tế chỉ phục vụ một nửa nhiệm kỳ 5 năm của mình.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Yoon liên tục xung đột với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Dù đã cam kết hợp tác với phe đối lập, chính quyền của ông vẫn phải đối mặt với tình trạng bế tắc dai dẳng. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau thất bại của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.

Phe đối lập đã thúc đẩy một loạt các dự luật mà không có sự ủng hộ của đảng PPP, khiến Tổng thống Yoon phải dùng đến quyền phủ quyết. Trước khi bị luận tội, ông đã phủ quyết tổng cộng 25 dự luật, bao gồm 1 dự luật bổ nhiệm 1 công tố viên đặc biệt để điều tra vợ ông, bà Kim Keon-hee.

Những cuộc tấn công không ngừng của phe đối lập vào đệ nhất phu nhân và những cuộc trao đổi đầy cảm xúc sau đó đã cản trở thêm bất kỳ khả năng hợp tác nào của hai bên. Những rạn nứt nội bộ trong khối cầm quyền cũng gây ảnh hưởng đến nhiệm kỳ tổng thống của ông Yoon.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc, ông Lee Jae-myung là ứng cử viên tổng thống sáng giá.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc, ông Lee Jae-myung là ứng cử viên tổng thống sáng giá.

Bất đồng giữa ông Yoon với Han Dong-hoon, cựu lãnh đạo của đảng PPP và từng là đồng minh thân cận nhất của ông kể từ những ngày làm công tố viên, cuối cùng trở nên tồi tệ vì những tranh cãi liên quan đến Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee. Và, căng thẳng lên đến đỉnh điểm sau tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon khi các nhà lập pháp ủng hộ ông Han đã tham gia phe đối lập, bỏ phiếu luận tội tổng thống.

Cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol hồi tháng 12 năm ngoái và việc ông bị Quốc hội luận tội sau đó - đã phơi bày một vết nứt sâu sắc trong nền chính trị phân cực của Hàn Quốc. Trong nhiều tháng, những người biểu tình ủng hộ và phản đối ông Yoon đã chiếm giữ các đường phố ở Seoul, khiến đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Bây giờ, cuộc khủng hoảng đó tạm thời kết thúc với việc Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phế truất ông Yoon Suk-yeol khỏi chức vụ tổng thống. Mặc dù công chúng xứ sở kim chi đón nhận tin tức này theo hai trạng thái khác nhau, những người phản đối ông Yoon tổ chức ăn mừng còn những người ủng hộ ông tức giận, song ông Yoon và đảng PPP của ông đã chấp nhận phán quyết.

Điểm mặt ứng viên kế nhiệm

Theo Hiến pháp, sau khi ông Yoon Suk-yeol bị phế truất, Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử bất thường trước ngày 3/6 nhằm bầu ra tổng thống mới.

Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, ứng cử viên sáng giá nhất lúc này là người đứng đầu phe đối lập Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP). Chính trị gia kỳ cựu này đã thua ông Yoon trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 với tỷ lệ sít sao nhất trong lịch sử.

Bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc Kim Moon-soo được kỳ vọng sẽ ra ứng cử tổng thống.

Bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc Kim Moon-soo được kỳ vọng sẽ ra ứng cử tổng thống.

Lúc này, ông Lee đang nhận được sự ủng hộ lớn, với cách biệt lên đến hai con số so với các đối thủ một số cuộc thăm dò dư luận gần đây. Ông cũng chính là một trong những nhà lập pháp đã vội vã đến Quốc hội vào đêm Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật để đảm bảo rằng Quốc hội có thể bỏ phiếu bác bỏ sắc lệnh này.

Ông Lee đã lãnh đạo đảng của mình giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri theo chủ nghĩa tự do. Theo cuộc thăm dò của Gallup Korea công bố hôm 4/4, sự ủng hộ dành cho ông Lee, ở mức khoảng 34% trên toàn bộ cử tri, cao hơn so với sự ủng hộ của 4 ứng cử viên hàng đầu của đảng PPP cộng lại.

Tuy nhiên, ông Lee vẫn có trận chiến pháp lý của riêng mình. Dù tòa án đã bác bỏ phán quyết kết tội ông về các cáo buộc vi phạm luật bầu cử, chính trị gia 61 tuổi này vẫn phải đối mặt với một số phiên tòa về các vấn đề từ hối lộ đến các cáo buộc chủ yếu liên quan đến vụ bê bối phát triển bất động sản trị giá 1 tỷ USD.

Trong khi đó, đảng PPP bảo thủ cầm quyền vẫn chia rẽ sâu sắc và vẫn chưa thống nhất về một ứng cử viên. Theo báo chí Hàn Quốc, gương mặt được kỳ vọng nhiều nhất của đảng PPP hiện nay là Bộ trưởng Lao động Kim Moon-soo, thành viên duy nhất trong nội các của ông Yoon từ chối xin lỗi hoặc bày tỏ sự hối tiếc về động thái thiết quân luật.

Cựu nghị sĩ từng phục vụ 3 nhiệm kỳ tại quốc hội này là một người bảo thủ cứng rắn đến mức sau khi Tổng thống Yoon bị phế truất, ông tiếp tục đặt câu hỏi về quyền hạn của Tòa án Hiến pháp. Trong cuộc gặp những người ủng hộ ở Seoul hôm 4/4, ông Kim nói: “Người dân đã bầu cựu Tổng thống Park Geun-hye và Yoon, vì vậy chúng ta cần phải suy nghĩ xem liệu Quốc hội và Tòa án Hiến pháp có dân chủ khi quyết định bãi nhiệm họ hay không”.

Ông Kim đang nhận được khoảng 9% sự ủng hộ, theo kết quả cuộc thăm dò cuối tuần trước của Gallup Korea. Dù chính trị gia 73 tuổi này từng tuyên bố không có ý định ra tranh cử, song mật báo Chosun Ilbo cho biết, có thể ông Kim sẽ từ chức Bộ trưởng Lao động và tuyên bố ứng cử tổng thống vào ngày 8/4. Đồng thời, ông nhiều khả năng cũng sẽ xin phục hồi các chức vụ tại PPP sau một thời gian rời khỏi đảng này.

Thông tin chính thức thì vẫn phải chờ xác nhận của ông Kim Moon-soo. Nếu ông không ra tranh cử, phe bảo thủ cũng có thể trông cậy vào ông Han Dong-hoon. Cựu lãnh đạo của đảng PPP là người phản đối mạnh mẽ tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon. Ông Han sau đó đã từ chức lãnh đạo đảng PPP trong bối cảnh nội bộ đảng bất đồng về lời kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức liên quan đến lệnh thiết quân luật.

Ông Han được lòng những cử tri bảo thủ ôn hòa nhưng phải đối mặt với sự chỉ trích từ những người ủng hộ ông Yoon. Họ cáo buộc ông Han, người từng là học trò của Tổng thống Yoon khi cả hai còn làm trong lĩnh vực công tố, đã phản bội đảng của mình và cho phép quốc hội luận tội ông Yoon vào tháng 12. Do đó, mức độ ủng hộ dành cho ông Han, theo Gallup Korea, hiện cũng chỉ khoảng 5%.

Ứng cử viên tiềm năng còn lại có thể là ông Hong Joon-pyo. Cựu Thị trưởng thành phố Daegu đã thua cuộc đua giành chức tổng thống năm 2017 trước ứng cử viên Moon Jae-in của đảng Dân chủ khi số phiếu bầu cho ông và một ứng cử viên bảo thủ khác bị chia rẽ.

Khác với ông Kim Moon-soo, ông Hong có tham vọng trở thành tổng thống. Chính trị gia 70 tuổi này cho biết ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo ngay cả khi kêu gọi Tòa án Hiến pháp không phế truất ông Yoon. Nhưng, mức độ ủng hộ dành cho ông Hong, theo Gallup Korea, cũng chỉ có 4% trong cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 1-3/4 tại Hàn Quốc.

Thời điểm thăm dò diễn ra trước khi có phán quyết phế truất ông Yoon Suk-yeol, do đó có thể chưa cập nhật được tâm trạng của công chúng Hàn Quốc sau sự kiện chính trị này. Nhưng, dù sao, đó vẫn là một phong vũ biểu đáng chú ý thể hiện tương đối rõ bức tranh chính trị của Hàn Quốc sau 4 tháng bế tắc vì cuộc khủng hoảng liên quan đến Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Những người phản đối ông Yoon Suk-yeol ăn mừng trên đường phố Seoul sau khi có phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

Những người phản đối ông Yoon Suk-yeol ăn mừng trên đường phố Seoul sau khi có phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

Quan trọng hơn, bất cứ nhà lãnh đạo nào tiếp theo của Hàn Quốc cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức đang rất cấp bách. Đầu tiên là bài toán làm dịu mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump, người đã nhắm vào thặng dư thương mại đáng kể của Hàn Quốc với Mỹ và áp đặt mức thuế quan đối ứng 25% đối với quốc gia Đông Á này. Kế đến là việc tìm cách hàn gắn những chia rẽ trong xã hội và chính trường Hàn Quốc do tuyên bố thiết quân luật gây ra.

Ông Yoon vẫn đối diện án tù

Sự nghiệp chính trị của Yoon Suk-yeol có thể đã kết thúc, nhưng những rắc rối của ông thì chưa.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với các cáo buộc hình sự về việc lãnh đạo một cuộc nổi loạn liên quan đến lệnh thiết quân luật của ông. Một phiên tòa riêng về các cáo buộc đó đã bắt đầu vào tháng 2 và vẫn đang diễn ra.

Các công tố viên cho rằng ông Yoon đã phạm tội nổi loạn khi cấm mọi hoạt động chính trị và ra lệnh cho các chỉ huy quân đội phá cửa tòa nhà Quốc hội "bằng rìu" hoặc "bằng cách bắn nếu cần" và "lôi ra ngoài" các nhà lập pháp.

Ông Yoon đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc dàn dựng một cuộc nổi loạn. Nếu bị tòa án tuyên có tội, chính trị gia 64 tuổi này có thể phải đối mặt với án tù lâu năm. Nhưng, nhiều cựu Tổng thống Hàn Quốc bị cầm tù, bao gồm cả Park Geun-hye, người bị kết tội hối lộ, đều được trả tự do sớm. Bà Park đã được ân xá vào năm 2021 bởi tổng thống lúc bấy giờ là ông Moon Jae-in, khi mới thực hiện chưa đầy 5 năm trong bản án tù 20 năm của bà.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/han-quoc-ai-se-la-tong-thong-ke-nhiem-ong-yoon-suk-yeol--i764500/