Hàn Quốc công bố chương trình cải cách doanh nghiệp để khắc phục tình trạng cổ phiếu rẻ
Hôm nay (26-2), Hàn Quốc công bố chương trình cải cách nhằm nâng cao giá trị của công ty niêm yết, khắc phục tình trạng mức định giá rẻ của cổ phiếu. Tuy nhiên, các đề xuất ban đầu của chương trình chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
Xem xét ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nỗ lực cải cách
Theo Chương trình tăng giá trị doanh nghiệp (Corporate Value-up Program) do Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) công bố hôm 26-2, chính phủ Hàn Quốc sẽ khuyến khích các nỗ lực tự nguyện của các công ty niêm yết nhằm tăng hoàn trả vốn cho cổ đông và cải thiện quản trị doanh nghiệp.
FSC cho biết, các công ty niêm yết có thể tham khảo các hướng dẫn chi tiết mà chính phủ ban hành trong nửa đầu năm nay để báo cáo kế hoạch cải cách của họ.
“Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề ‘chiết khấu của Hàn Quốc’ (Korea distcount)”, FSC cho biết trong một tuyên bố.
Thuật ngữ “Korea discount” đề cập đến xu hướng các công ty Hàn Quốc có mức định giá thấp hơn so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu do các yếu tố như mức trả cổ tức thấp và tính thiếu minh bạch do sự chi phối của các tập đoàn doanh nghiệp gia đình, hay còn gọi là chaebol. Hiện nay, giá cổ phiếu của 2/3 công ty niêm yết ở Hàn Quốc thấp hơn giá trị sổ sách.
Kim Joo-hyun, Chủ tịch FSC, nói: “Chúng tôi đang theo đuổi các biện pháp nâng cao giá trị doanh nghiệp để truyền bá và thiết lập văn hóa doanh nghiệp, nơi các công ty tự nguyện nỗ lực cải thiện giá trị và tôn trọng các cổ đông”.
Để khuyến khích cải cách tự nguyện, FSC đang xem xét ưu đãi thuế đối với các công ty nhằm nâng cao giá trị thị trường và tăng lợi nhuận cho cổ đông. FSC cũng sẽ giới thiệu một chỉ số dành cho công ty mang lại lợi ích cao cho cổ đông.
Các nhà phân tích cho biết, chính phủ Hàn Quốc đang học hỏi sách lược của Nhật Bản để nâng cao giá trị các công ty trong nước. Thị trường chứng khoán của nước láng giềng Hàn Quốc tăng lên mức cao kỷ lục vào tuần trước nhờ nhiều năm cải cách quản trị doanh nghiệp và các biện pháp khác nhằm khuyến khích mua lại cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu chéo và tăng mức chia cổ tức.
Trong cuộc họp báo hôm 26-2, Phó chủ tịch FSC, Kim So-young cho biết các đề xuất trong “Chương trình tăng giá trị doanh nghiệp” bao gồm nhiều ưu đãi ngày càng mạnh mẽ hơn so với những ưu đãi được triển khai trong chương trình cải cách doanh nghiệp ở Nhật Bản.
Ông ghi nhận nhiều công ty Hàn Quốc đang nỗ lực cải thiện giá trị thị trường của họ và dự kiến còn nhiều công ty khác nữa làm theo.
Tham gia vào nỗ lực của chính phủ, hồi đầu tháng này, Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) cho biết sẽ thành lập một nhóm chuyên trách về cải thiện quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, tuần trước, quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) tuyên bố sẽ đầu tư vào các công ty niêm yết đang nỗ lực nâng cao giá trị của họ. Hồi tháng 1, FSC cho biết đang cân nhắc “chỉ mặt gọi tên” những doanh nghiệp niêm yết có hệ thống quản trị yếu kém.
Thị trường thất vọng vì cải cách chưa đủ mạnh
Một số nhà phân tích cho rằng các đề xuất cải cách đối với các công ty niêm yết Hàn Quốc chưa đi đủ xa. “Thị trường vốn đã mong đợi một số hoạt động “bán khi tin ra” nhưng áp lực chốt lời thậm chí còn nặng nề hơn do đề xuất cải cách quá gây thất vọng”, Huh Jae-hwan, nhà phân tích của Eugene Investment Securities, nói.
Ông đánh giá các đề xuất trong “Chương trình tăng giá trị doanh nghiệp” của FSC quá đơn giản và có ít biện pháp được coi là khuyến khích. Chương trình cũng không đặt ra yêu cầu bắt buộc hay bao gồm các ưu đãi thuế cụ thể, vốn là những gì mà thị trường đã kỳ vọng.
Chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc giảm tới 1,42% trong phiên giao dịch sáng 26-2. Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô và ngân hàng, thường được xem là có mức định giá thấp, giảm giá mạnh nhất. Cổ phiếu của hai lĩnh vực này gần đây phục hồi mạnh mẽ trước đề xuất cải cách của chính phủ.
Chỉ số Kospi tăng 19% trong năm ngoái, kém hơn các mức tăng của chỉ số Nikkei của Nhật Bản và chỉ số S&P500 của Mỹ. Trong năm 2022, chỉ số Kospi giảm gần 25%, tệ nhất trong số 20 nền kinh tế lớn (G20) ngoại trừ Nga.
Khoảng 2/3 số công ty niêm yết trong chỉ số Kospi hiện có tỷ lệ P/B (tỷ lệ giá thị trường của cổ phiếu so với giá trị sổ sách của chính cổ phiếu đó) nhỏ hơn 1. Điều này có nghĩa là giá trị thị trường của họ thấp hơn giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán.
Theo dữ liệu của LSEG, mức định giá của tập đoàn Samsung Electronics cũng không khá hơn là bao. Cổ phiếu của tập đoàn này giao dịch với tỷ lệ P/B chỉ 1,2, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ P/B 5,2 của đối thủ TSMC (Đài Loan).
Trong năm nay, các quỹ đầu tư nước ngoài mua ròng 10,5 nghìn tỉ won (7,9 tỉ đô la) cổ phiếu của các công ty trong chỉ số Kospi. Con số này cao hơn mức mua ròng của họ ở bất kỳ thị trường chứng khoán mới nổi châu Á nào khác. Nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ có những thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực giống như chứng khoán Nhật Bản.
Hàn Quốc từng thúc đẩy cải cách doanh nghiệp trong quá khứ. Nhưng sáng kiến cải cách mới nhất dường như “khác biệt” vì có các mục tiêu định hướng kinh tế hơn là một chương trình nghị sự xã hội, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận xét trong một báo cáo hồi tuần trước. Họ cho biết, nếu các đề xuất cải cách thành công, thị trường chứng khoán Hàn Quốc sẽ được MSCI nâng cấp lên vị thế thị trường phát triển.
Theo một báo cáo gần đây của các nhà phân tích ở ngân hàng HSBC, giá trị thị trường của các lĩnh vực có giá trị sâu của Hàn Quốc có thể tăng ít nhất 25% nếu cải thiện lên ngang bằng một nửa mức định giá của các lĩnh vực tương đương ở Đài Loan.
Các nhà phân tích cho rằng, để duy trì động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán, các nhà chức trách Hàn Quốc nên xem xét áp đặt các yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp cải cách, chứ không chỉ lại ở mức độ khuyến khích.
“Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một kế hoạch cải cách doanh nghiệp chi tiết được phác thảo kỹ lưỡng. Bây giờ, chính phủ cần đưa ra những ‘củ cà rốt và cây gậy’ để thực sự thay đổi các công ty niêm yết”, Han Ji-young, nhà phân tích của Kiwoom Securities, nói.
Theo Reuters, Bloomberg, Reuters