Hàn Quốc: Đào tạo đại học còn nhiều bất cập
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gần đây đã yêu cầu Bộ Giáo dục điều chỉnh chính sách nhằm tăng cường đào tạo kỹ sư bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.
Chủ đề trên đã thu hút sự chú ý từ xã hội trong bối cảnh tình trạng thiếu chip kéo dài.
Hiện nay, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc như Samsung Electronics, Skhynix đang ráo riết tìm kiếm sinh viên tốt nghiệp có chuyên môn liên quan đến công nghệ bán dẫn. Với tầm ảnh hưởng của hai nhà sản xuất chip hàng đầu trên thị trường, Tổng thống Yoon cũng bày tỏ sự quan tâm với việc mở rộng nguồn lực nhân tài trong lĩnh vực này.
Trước đề nghị của Tổng thống, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết, chính phủ sẽ mở rộng đáng kể chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đào tạo về bán dẫn ở thành thị lẫn địa phương. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét kế hoạch tăng giới hạn sinh viên chuyên ngành bán dẫn và công nghệ lên khoảng 20.000 người.
Các chuyên gia giáo dục dự báo, nếu kế hoạch thành công, Hàn Quốc sẽ tạo ra cuộc thúc đẩy tài năng cho ngành công nghệ chip trong nước.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo sự thiết hụt kỹ sư có tay nghề cao không chỉ giới hạn trong ngành công nghiệp chip. Cũng như các công ty công nghệ toàn cầu khác, các công ty Hàn Quốc đang tìm kiếm kỹ sư có chuyên môn trong các lĩnh vực công nghệ cao từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến công nghệ sinh học, sản xuất xe điện...
Còn nguồn cung ứng viên đủ tiêu chuẩn đang rất thiếu hụt. Riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Hàn Quốc dự kiến thiếu hụt 15.000 lao động trong năm 2022.
10 tập đoàn hàng đầu đất nước đã tiết lộ kế hoạch tuyển dụng lên tới 330.000 công nhân trong 5 năm tới. Đây được đánh giá là cơ hội nghề nghiệp lớn cho sinh viên đại học hoặc sinh viên tốt nghiệp gặp khó khăn khi tìm việc làm.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại vấn đề giáo dục đại học quốc gia đang không phù hợp với nguồn lao động toàn quốc. Mặc dù các công ty đang tìm kiếm nguồn lao động tay nghề cao như nhà phát triển mềm, các trường đại học Hàn Quốc chưa chuẩn bị kỹ càng để bắt kịp các xu hướng thay đổi.
Trở ngại đầu tiên là sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với các cơ sở giáo dục ở mọi cấp bậc bao gồm học phí, số giờ giảng, số lượng sinh viên, kế hoạch đào tạo... Nếu muốn thay đổi, các nhà quản lý phải xin phép Bộ Giáo dục Hàn Quốc và chờ đợi được phê duyệt.
Vấn đề các trường đại học công lập phản ánh nhiều nhất là việc “đóng băng” học phí. Học phí đại học công lập tại Hàn Quốc đã giữ nguyên trong 14 năm. Nhiều trường đại học phải vật lộn để cân đối thu chi trong bối cảnh số lượng sinh viên ngày càng giảm.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia Hàn Quốc đồng tình rằng chất lượng giáo dục nước này chưa thể theo kịp yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Dữ liệu của tổ chức giáo dục QS năm 2022 cho thấy, 41 trường đại học Hàn Quốc lọt vào danh sách gần 1.500 trường trên thế giới nhưng chỉ 6 trường lọt vào tốp 100. 29 trường khác, chiếm khoảng 70%, không lọt vào tốp 600 dù giảng viên có nhiều nghiên cứu khoa học.
Từ những trở ngại trên, các chuyên gia thống nhất chính phủ và các trường đại học nên nỗ lực cùng nhau để đưa ra các kế hoạch cải cách mạnh mẽ nhằm khắc phục hệ thống giáo dục còn nhiều khó khăn tại Hàn Quốc.
Theo Korea Herald