Hàn Quốc: Đình chỉ một phần thỏa thuận với Triều Tiên là 'biện pháp phòng thủ tối thiểu'
Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik ngày 23-11 cho biết, việc Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự giảm căng thẳng liên Triều năm 2018 là 'một phản ứng tương xứng' và là 'một biện pháp phòng thủ tối thiểu' chống lại Bình Nhưỡng sau vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên.
Bình luận của ông Shin được đưa ra vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ ngay lập tức khôi phục tất cả biện pháp quân sự bị tạm dừng theo Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) và cảnh báo rằng Seoul phải "trả giá đắt" cho quyết định của mình.
Trước đó, ngày 22-11, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phê chuẩn kiến nghị đình chỉ một điều khoản trong hiệp định năm 2018 kêu gọi thiết lập vùng cấm bay xung quanh Đường phân giới quân sự (MDL) ngăn cách hai miền Triều Tiên, còn được gọi là Khu phi quân sự (DMZ).
“Việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự rõ ràng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ”, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc nói trong một phiên họp Quốc hội nước này, đồng thời khẳng định: “Việc đình chỉ một phần thỏa thuận là biện pháp thiết yếu để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân. Đó là phản ứng tương ứng trước hành động khiêu khích của Triều Tiên và là biện pháp phòng thủ tối thiểu”.
Để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng, ông Shin Won-sik cho biết, quân đội Hàn Quốc sẽ nối lại các hoạt động giám sát trên không gần khu vực biên giới.
Theo các nguồn tin quân sự, máy bay không người lái giám sát và máy bay trinh sát đã được triển khai gần biên giới ngay sau khi lệnh đình chỉ có hiệu lực vào chiều 22-11.
Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định về phía đông nước này vào tối 21-11, nhưng vụ phóng dường như đã thất bại.