Hàn Quốc đối mặt với 'khoảng trống' lãnh đạo cấp cao 'chưa từng có'

Dư luận lo ngại về sự lãnh đạo của quyền Tổng thống Hàn Quốc Lee Ju-ho, người vốn khá mới mẻ trong lĩnh vực ngoại giao và thương mại, và nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có thể chứng kiến nhiều tổn hại.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc mới được bổ nhiệm Lee Ju-ho phát biểu trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia ở Seoul, ngày 2/5/2025. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Quyền Tổng thống Hàn Quốc mới được bổ nhiệm Lee Ju-ho phát biểu trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia ở Seoul, ngày 2/5/2025. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong bối cảnh cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ bước vào giai đoạn then chốt, Hàn Quốc đối mặt với "khoảng trống" lãnh đạo cấp cao chưa từng có trong lịch sử khi ba vị trí hàng đầu gồm tổng thống, thủ tướng và người đứng đầu lĩnh vực kinh tế-tài chính đều bị khuyết.

Dư luận lo ngại về sự lãnh đạo của quyền Tổng thống Hàn Quốc Lee Ju-ho, người vốn khá mới mẻ trong lĩnh vực ngoại giao và thương mại, và nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này có thể chứng kiến nhiều tổn hại.

Sáng 2/5, Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho, đứng thứ tư trong hệ thống phân quyền Nội các Hàn Quốc, đã chính thức đảm nhận vai trò quyền Tổng thống sau khi ông Han Duck Soo, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc từ chức để tham gia tranh cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 3/6 tới.

Đây là lần thay đổi lãnh đạo thứ tư trong vòng sáu tháng qua ở Hàn Quốc sau tuyên bố thiết quân luật của cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol hôm 3/12/2024.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok cũng đã từ chức ngày 1/5 trong bối cảnh Quốc hội do đảng Dân chủ (DP) đối lập chiếm đa số thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu luận tội ông.

Đáng chú ý cả ông Han Duck Soo và ông Choi Sang Mok đều đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thuế quan với chính quyền Mỹ và đã đạt được bước tiến về một thỏa thuận gói thuế quan dự kiến vào tháng Bảy tới.

Đánh giá về tình hình này, ông Joo Won, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Kinh tế Hyundai cho rằng các vấn đề mang tính chiến lược, toàn diện cần phải được đưa ra bởi những nhà hoạch định chính sách hàng đầu có tầm nhìn.

Việc Hàn Quốc đã mất đi nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu có thể khiến các cuộc đàm phán thương mại Hàn Quốc-Mỹ kéo dài hơn dự kiến và khó kết thúc suôn sẻ.

Ngoài ra, việc đảng đối lập kiểm soát Quốc hội Hàn Quốc được cho là cũng sẽ gây khó khăn cho các quyết sách của chính phủ tạm quyền trong thời gian trước thềm bầu cử này.

Quyền Tổng thống Lee Ju-ho sẽ phải chịu sức ép từ phía đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền để phủ quyết các dự luật do DP thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/han-quoc-doi-mat-voi-khoang-trong-lanh-dao-cap-cao-chua-tung-co-post1036317.vnp