Hàn Quốc đơn phương trừng phạt Triều Tiên, đưa nhiều cá nhân và công ty vào 'danh sách đen'
Đáp trả việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa trong 3 tuần gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã đưa 15 người và 16 công ty liên quan đến quốc gia này vào 'danh sách đen'.
Đây là đòn trừng phạt đơn phương đầu tiên của Hàn Quốc kể từ 5 năm nay. Bộ Ngoại giao nước này cho biết, tất cả các cá nhân và tổ chức, công ty bị trừng phạt đều liên quan hoạt động cung cấp tài chính, vật liệu cho chính quyền Triều Tiên để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
15 cá nhân bị đưa vào danh sách đen đều liên quan Học viện Khoa học Quốc phòng Quốc gia (còn gọi la Học viện Khoa học Tự nhiên Thứ Hai) và Tập đoàn nhà nước Ryonbong General Corp. Đây là hai thực thể chịu trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC).
Những cá nhân bị đưa vào danh sách đen đều sống bên ngoài Triều Tiên nhưng cung cấp tài chính và vật liệu cho chính phủ Triều Tiên.
Người Hàn Quốc làm ăn với Triều Tiên sẽ bị án tù
Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, chính phủ Hàn Quốc “cực lực lên án việc Triều Tiên phóng thử tên lửa với tần suất chưa từng có, và vì Triều Tiên đề cập khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại chúng tôi”.
Vị quan chức này nói đợt trừng phạt mới sẽ còn dài nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích. Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Úc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu cùng các nước bạn bè, nhằm phát huy các lệnh trừng phạt.
Vị này giải thích, lệnh trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc bổ trợ cho các lệnh trừng phạt của UNSC, và lệnh trừng phạt đơn phương là quyết định riêng của Hàn Quốc, nhưng có điều phối với Mỹ về danh sách đen.
“Đáng tiếc là một nghị quyết LHQ trừng phạt Triều Tiên hồi tháng 5 đã không được thông qua, nhưng chúng tôi sẽ lại thúc đẩy một nghị quyết khác trong trường hợp Triều Tiên lại khiêu khích nghiêm trọng”, quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói.
Theo Bộ Ngoại giao quốc gia này, bất kỳ công dân Hàn Quốc nào có ý định giao dịch tài chính và chuyển khoản ngoại tệ - với các các nhân và thực thể Triều Tiên bị trừng phạt - thì cần phải có sự cho phép của Cơ quan Dịch vụ Tài chính hoặc của thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.
Người vi phạm lệnh trừng phạt khi chuyển khoản ngoại tệ sẽ bị án tù tối đa 3 năm hoặc phải nộp phạt 300 triệu won (210.000 USD), giao dịch tài chính thì bị kết án 3 năm tù và nộp phạt 30 triệu won.
Cho đến nay, Hàn Quốc đã đưa vào danh sách 89 thực thể, trong đó, 78 thực thể ở Triều Tiên và 11 thực thể là ở các nước khác - cùng 109 cá nhân trong đó có 100 người Triều Tiên.
Lần đầu tiên Hàn Quốc đơn phương trừng phạt Triều Tiên là vào năm 2015, đối với 4 thực thể và 3 người Đài Loan.
Năm 2016, Hàn Quốc hai lần đưa thêm nhiều cá nhân và thực thể vào danh sách đen, để phản ứng trước việc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 và thứ 5 trong năm này.
Năm 2017, chính phủ nước này lại tiếp tục trừng phạt các thực thể và cá nhân Triều Tiên với 2 lần vì Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 6 và phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Không thể đoán định được mục đích của lãnh đạo Triều Tiên
Ngày 14.10, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã cực lực lên án Triều Tiên thực hiện nhiều hành động quân sự khiêu khích vào rạng sáng cùng ngày với việc nã 170 quả đạn pháo vào “vùng đệm” trên biển giữa hai miền.
Triều Tiên cũng phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía đông. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 9 của Triều Tiên trong vòng 3 tuần.
Trước đó, Triều Tiên cho 10 máy bay quân sự áp sát vùng biển liên Triều để đe dọa, buộc không quân Hàn Quốc phải đáp trả bằng việc triển khai các chiến đấu cơ tàng hình F-35A.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói các hành động khiêu khích của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của UNSC.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng việc Triều Tiên nã pháo là vi phạm Thỏa thuận Quân sự Toàn diện mà hai miền từng ký ngày 19.9.2018. Thỏa thuận này kêu gọi hai bên ngưng các hoạt động quân sự thù địch.
Theo Korea Times, tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng đối với hai miền Triều Tiên, và các chuyên gia cho rằng bán đảo Triều Tiên giờ đây dường như sa lầy vào một vòng xoáy luẩn quẩn.
Họ cũng nhận định ngày càng trở nên khó hơn trong việc xác định mục đích của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là gì thông qua các cuộc phóng thử tên lửa.
Nhà nghiên cứu cao cấp Go Myong-hyun, Viện Nghiên cứu Chính sách Asan nhận định: “Xem ra các hành động mới nhất này không có mục đích rõ ràng. Trong quá khứ, chúng tôi thường cho rằng Triều Tiên khiêu khích nhằm có lợi thế lớn trên bàn đàm phán. Nhưng các diễn biến gần đây đã khác”.
Trước đây, chiến lược và mục tiêu của Bình Nhưỡng là buộc Mỹ công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vốn cản trở hoạt động thương mại của Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện nay Bình Nhưỡng được cho là đã sản xuất được nhiều vũ khí hạt nhân (VKHN) và không còn quan tâm việc được công nhận nữa.
Nhà nghiên cứu nói: “Các động thái gần đây được cho là nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế về khả năng Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 7 bằng cách phóng nhiều tên lửa cùng các hành động khiêu khích khác, đồng thời phô trương sức mạnh với thế giới. Việc họ phô trương thế lực hạt nhân xem ra là mục đích cuối cùng”.
Nhà nghiên cứu cao cấp Hong Min, thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul, nói các hành động khiêu khích của Triều Tiên vào sáng 14.10 nên được xem là một phản ứng trước việc Hàn Quốc củng cố khả năng quân sự, cùng việc Seoul tranh luận về khả năng hủy bỏ Thỏa thuận Quân sự Toàn diện nhằm kiềm chế khả năng Triều Tiên thử hạt nhân.
“Xem ra việc Triều Tiên nã pháo nhằm thử nghiệm liệu có phải Hàn Quốc thật sự nghĩ đến việc hủy bỏ thỏa thuận này. Nếu Triều Tiên dám phớt lờ thỏa thuận, thì họ chỉ việc trang bị thêm vũ khí cho quân nhân ở Khu Giới tuyến Phi quân sự”, ông Hong nói.
Ông nhấn mạnh việc nhiều chính khách Hàn Quốc nhận định: “"Triều Tiên tổ chức hành động quân sự với vài mục đích lớn trong đầu", nhưng có khả năng là Bình Nhưỡng chỉ phản ứng trước việc Seoul cùng Mỹ tăng cường khả năng răn đe”.
Việc Bình Nhưỡng phóng nhiều tên lửa khiến Hàn Quốc cùng Mỹ và Nhật lần đầu tiên có cuộc tập trận hải quân vào ngày 30.9, nhằm đề phòng mối đe dọa ngày càng tăng từ tàu ngầm Triều Tiên.
Cuộc tập trận này có sự tham gia của tàu sân bay Ronald Reagan 100.000 tấn chạy bằng hạt nhân, và nhóm tàu tấn công mang tên lửa dẫn đường là tuần dương hạm Chancellorsville và hai khu trục hạm Barry và Benfold.
Cuộc tập trận ba bên tiếp sau việc hải quân Hàn - Mỹ hoàn tất 4 ngày tập trận hải quân lớn.
Ông Hong nói: “Nếu xét tình hình từ quan điểm của Triều Tiên, chính phủ mới ở Hàn Quốc đã đột ngột đề cập việc tăng khả năng răn đe. Rồi Hàn Quốc mời tàu sân bay Mỹ tập trận hải quân đã khiến Triều Tiên cũng bắt đầu phản ứng. Và bây giờ, Hàn Quốc đang nói đến khả năng triển khai vũ khí hạt nhân Mỹ hoặc tự phát triển đầu đạn hạt nhân”.
Nhà nghiên cứu giải thích thêm: “Tôi không cố gắng bào chữa cho các hành động quân sự của Triều Tiên, nhưng băn khoăn là liệu chuỗi khiêu khích - trừng phạt có giúp kiểm soát được tình hình bán đảo Triều Tiên hay không... Bình Nhưỡng đã trở nên tự tin về hệ thống vũ khí của họ. Không như trước đây, sẽ không ai có thể "thở" được nếu hai bên cứ tiếp tục leo thang căng thẳng”.