Hàn Quốc không cấp bản quyền cho nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin ngày 27/12, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc (MCST) thông báo sẽ không cấp phép đăng ký bản quyền đối với nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra.
Theo Yonhap, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc Yu In-chon cho biết: "Hàn Quốc phải tích cực và chủ động thích ứng với môi trường bản quyền mới trong bối cảnh sự phát triển của các công nghệ trí tuệ nhân tạo mới đang mang lại những thay đổi trong sáng tạo".
Với chức năng giám sát chính sách bản quyền của Hàn Quốc, MCST đã tham gia các cuộc thảo luận nhằm xây dựng hướng dẫn sát với thực tế cho các chủ thể trong ngành văn hóa đang phải đối mặt với thách thức đặt ra trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Sau thời gian thảo luận, MCST quyết định không cấp phép đăng ký bản quyền đối với nội dung do công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo ra mà không có sự can thiệp sáng tạo của con người.
"Việc đăng ký bản quyền chỉ dành cho những sáng tạo có thể truyền tải rõ những tư duy và cảm xúc của con người", Bộ trưởng Yu In-chon nhấn mạnh.
MCST cho biết cơ quan sẽ sớm phổ biến quyết định trên thông qua việc phát hành sách hướng dẫn bản quyền trí tuệ nhân tạo dành cho doanh nghiệp công nghệ, chủ bản quyền và người dùng. Hướng dẫn về bản quyền trí tuệ nhân tạo cũng chỉ rõ các doanh nghiệp công nghệ cần đền bù công bằng đối với chủ bản quyền để đảm bảo quyền sử dụng sản phẩm cho tác giả.
Đối với người nắm giữ bản quyền, hướng dẫn trên khuyến nghị các tác giả nên bày tỏ rõ ràng ý định sử dụng hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn việc các sáng tạo của họ bị sử dụng cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.
Các chuyên gia cho biết, MCST đưa ra quyết định trên trong bối cảnh thế giới vẫn đang tranh luận về tính pháp lý của trí tuệ nhân như một thực thể sáng tạo. Đây cũng là một trong những biện pháp mà Chính phủ Hàn Quốc xác định thực hiện nhằm đưa nước này trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về bảo vệ bản quyền.
Khi thế giới tiến gần hơn với công nghệ hiện đại, sự xuất hiện như vũ bão của trí tuệ nhân tạo đã làm nên "cú hích" trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Mặc dù các giải pháp trí tuệ nhân tạo đã cải thiện đáng kể về chất lượng và số lượng trong lĩnh vực sáng tạo nội dung nhưng cũng đặt ra những câu hỏi đạo đức xoay quanh quyền tác giả và đạo nhái.
Nếu nhà sáng tạo nội dung phụ thuộc quá nhiều vào trí tuệ nhân tạo để viết câu chuyện của họ thì ai mới là tác giả của những nội dung đó và có thể được xem là người sáng tạo? Cùng với đó là khả năng trí tuệ nhân tạo vô tình đạo văn từ nhiều nguồn khác nhau cũng đặt ra một thách thức đáng suy ngẫm về tính toàn vẹn và chính xác của nội dung đăng tải.
Một minh chứng về nhược điểm của công nghệ trí tuệ nhân tạo được thể hiện trong câu chuyện xuất bản trên tờ Information Age. Ấn phẩm đã sử dụng công cụ ChatGPT để viết toàn bộ câu chuyện về chatbot này và đăng thành phẩm kèm theo một đoạn giới thiệu ngắn.
Tác phẩm đạt yêu cầu khi cung cấp khá đầy đủ các thông tin và sắp xếp một cách mạch lạc. Nhưng khi "viết" tác phẩm, ChatGPT cũng tạo ra các trích dẫn giả và gán chúng cho một nhà nghiên cứu của OpenAI là John Smith. Điều này nhấn mạnh sự thất bại của một mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT là không biết cách tách biệt thực tế và hư cấu.
Kể từ khi ra mắt, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ, có thể mở ra một giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của ngành.
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu các tổ chức, công ty áp dụng phương pháp đảm bảo tính đạo đức khi triển khai các giải pháp trí tuệ nhân tạo. Hồi tháng 5, Nhà Trắng yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google phải có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của họ trước khi ra mắt công chúng, cũng như trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.