Hàn Quốc, Mỹ bắt đầu vòng đàm phán mới về chia sẻ chi phí quân sự
Qua nhiều vòng đàm phán, Mỹ vẫn yêu cầu Hàn Quốc tăng mức đóng góp lên gần 5 tỷ USD vào năm tới, trong khi Seoul cho rằng con số này không hợp lý.
Ngày 17/12, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu vòng đàm phán mới về vấn đề chia sẻ chi phí quân sự cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, trong bối cảnh thỏa thuận hiện hành dự kiến hết hiệu lực trong 2 tuần nữa.
Các cuộc đàm phán trong tuần này dự kiến kéo dài đến ngày 18/12, có thể sẽ là vòng đàm phán cuối cùng trước khi thỏa thuận chia sẻ chi phí, có tên là Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA), hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới.
Đoàn đàm phán Hàn Quốc do ông Jeong Eun-bo dẫn đầu và trưởng đoàn Mỹ là ông James DeHart.
Hai bên vẫn bất đồng về số tiền Seoul đóng góp để duy trì Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) với quân số 28.500 người.
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác.
Theo SMA năm nay, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước. Qua nhiều vòng đàm phán, Washington vẫn yêu cầu Seoul tăng mức đóng góp lên gần 5 tỷ USD vào năm tới, trong khi Seoul cho rằng con số này không hợp lý.
Các nguồn tin cho rằng Mỹ muốn tạo một điều khoản mới trong SMA để buộc Seoul gánh vác các chi phí liên quan đến các cuộc tập trận chung giữa hai đồng minh này và hỗ trợ gia đình các binh sĩ thuộc USFK.
Tuy nhiên, Seoul khẳng định chỉ đàm phán trong khuôn khổ SMA, theo đó quy định nước này trả một phần chi phí cho nhân công Hàn Quốc làm việc cho USFK cũng như xây dựng một số sơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần./.