Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản bắt đầu tập trận chống tàu ngầm
Ngày 3.4, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân ba bên, với sự tham gia của một tàu sân bay Mỹ, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông cáo cho biết.
Cuộc tập trận chống tàu ngầm và tìm kiếm cứu nạn kéo dài 2 ngày, với sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz, đã được tiến hành ở vùng biển quốc tế phía Nam đảo Jeju, miền Nam nước này.
Cuộc tập trận chung được tiến hành trong bối cảnh CNDCND Triều Tiên vừa có một số động thái bị các nước liên quan đánh giá là khiêu khích, chẳng hạn như công bố đầu đạn hạt nhân chiến thuật Hwasan-31 vào tuần trước và vụ thử máy bay không người lái tấn công hạt nhân dưới nước Haeil vài ngày trước đó.
"Cuộc tập trận chống tàu ngầm được sắp xếp để tăng cường khả năng phản ứng của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trước các mối đe dọa dưới nước, bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm", thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ.
Hàn Quốc triển khai tới cuộc tập trận các tàu khu trục chủ lực Yulgok YiYi, Choe Yeong và Daejoyeong, cũng như tàu hỗ trợ chiến đấu Soyang, trong khi Mỹ cử tàu sân bay và hai tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và USS Decatur. Nhật Bản huy động tàu khu trục JS Umigiri.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận chống tàu ngầm sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực của các quốc gia trong việc "phát hiện, theo dõi, chia sẻ thông tin và đánh bại" các mối đe dọa dưới nước.
Trong mục tiêu tìm kiếm và cứu hộ, các bên có kế hoạch thực hành sơ cứu và các thủ tục khẩn cấp khác trong một mô phỏng về tai nạn hàng hải.
Lần cuối cùng ba nước tổ chức các cuộc tập trận chống tàu ngầm là vào tháng 9 năm ngoái. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn trong tuần này giữa ba nước diễn ra lần đầu tiên sau 7 năm.
Tàu sân bay USS Nimitz, trung tâm sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ, đã tham gia cuộc huấn luyện song phương với Hải quân Hàn Quốc vào ngày 27.3 và đã ghé cảng ở Busan, cách Seoul 325 km về phía đông nam vào ngày hôm sau.
Cuộc tập trận tuần này nhấn mạnh đến việc thắt chặt hợp tác an ninh giữa Mỹ và hai đồng minh châu Á, vốn đã chứng kiến mối quan hệ tan băng sau giải pháp của Seoul đối với vấn đề gai góc là bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến.