Hàn Quốc nêu 5 trụ cột để tạo thế chân vạc với Mỹ, Trung Quốc về AI
Để thành công, theo chuyên gia Lee Kwang-hyung (Chủ tịch KAIST, đồng Chủ tịch Hội đồng Sở hữu trí tuệ của tổng thống), Hàn Quốc cần củng cố 5 trụ cột chính trong lĩnh vực AI: nhân lực, hạ tầng, dữ liệu, vốn đầu tư, thị trường. Mỗi yếu tố đều đòi hỏi đầu tư và cải cách một cách có chủ đích và sự phối hợp chặt chẽ.

Đào tạo con người là trụ cột quan trọng nhất của Hàn Quốc để phát triển AI
AI đang trở thành một yếu tố quyết định sức mạnh cạnh tranh quốc gia, không chỉ trong kinh tế mà còn trong an ninh, quốc phòng và chủ quyền thông tin. Các nước như Mỹ, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào nghiên cứu và triển khai AI, từ các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT đến các ứng dụng trong quân sự, y tế. Hàn Quốc, với tham vọng vươn lên trở thành một trong 3 cường quốc AI hàng đầu thế giới cùng với Mỹ và Trung Quốc, cần phải hành động khẩn trương và có chiến lược.
Con người và công nghệ: Nền tảng của AI
Trung tâm của AI là công nghệ, còn trung tâm của công nghệ là con người. Hàn Quốc cần tăng gấp đôi số lượng chuyên gia AI được đào tạo. Điều này đòi hỏi mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành liên quan đến AI ở các trường đại học và sau đại học, đồng thời đưa ra các chính sách đãi ngộ mạnh mẽ để thu hút nhân tài hàng đầu.
Việc thành lập một viện nghiên cứu chuyên sâu về AI là cần thiết, nhưng không nên đi theo mô hình các viện nghiên cứu do chính phủ tài trợ hiện tại vốn thường kém hiệu quả. Thay vào đó, Hàn Quốc nên xây dựng một liên minh nghiên cứu mạng lưới, kết nối các trường đại học hàng đầu, nhằm triển khai nhanh chóng, thúc đẩy luân chuyển nhân lực và tạo điều kiện hợp tác linh hoạt.
Hàn Quốc cũng có thể học hỏi mô hình giáo dục tài năng của Trung Quốc - nơi bồi dưỡng năng khiếu toán học từ trung học đến đại học. Lương Văn Phong (Liang Wenfeng), nhà sáng lập startup AI DeepSeek, chính là sản phẩm của hệ thống này. Trong khi đó, chương trình giáo dục tài năng ở Hàn Quốc còn rất hạn chế. Quốc gia này vốn chú trọng vào giáo dục tiêu chuẩn hóa, nhưng giờ đây cần đầu tư vào các hệ thống phát hiện và nuôi dưỡng những cá nhân xuất chúng dựa trên nhiều tiêu chí đa dạng.
Hạ tầng: Tập trung, mở rộng và bền vững
Phát triển AI đòi hỏi hạ tầng tính toán mạnh mẽ. Các bộ xử lý đồ họa (GPU) - thứ thiết yếu cho việc huấn luyện và suy luận mô hình, cần được đặt trong các trung tâm dữ liệu tập trung, có dung lượng lớn. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch sở hữu 10.000 GPU, nhưng chỉ có phần cứng là chưa đủ.
Các GPU này phải được lắp đặt tại các cơ sở tập trung để phục vụ việc huấn luyện quy mô lớn. Nếu phân tán, hiệu quả sẽ giảm và cản trở sự phát triển của các mô hình AI cỡ lớn. Việc chọn địa điểm xây dựng cũng phải tính đến yếu tố năng lượng. Với nhu cầu dự kiến lên tới hàng triệu GPU trong vài thập niên tới, các trung tâm dữ liệu nên đặt gần nhà máy điện (thậm chí là điện hạt nhân) và nguồn nước tự nhiên để làm mát.
Những trung tâm dữ liệu này không cần đặt tại khu vực thủ đô, vì người dùng có thể truy cập từ xa thông qua mạng tốc độ cao. Nếu được quy hoạch hợp lý, Hàn Quốc hoàn toàn có thể xây dựng một hạ tầng quốc gia hỗ trợ tham vọng AI của mình.
Dữ liệu: Chất lượng, khả năng truy cập và quy định
Dữ liệu là huyết mạch của AI. Những bộ dữ liệu lớn, chất lượng cao là điều kiện thiết yếu để huấn luyện các mô hình hiệu quả. Trước đây, các hệ thống AI có thể thu thập tự do từ internet, nhưng thời kỳ đó đã kết thúc. Các bài báo từng dễ dàng thu thập giờ đã vướng vào vấn đề bản quyền. Các quy định về quyền riêng tư cũng ngày càng chặt chẽ, đặc biệt ở Hàn Quốc – nơi có luật bảo vệ dữ liệu thuộc hàng nghiêm ngặt nhất thế giới.
Để khai thác tối đa tiềm năng của AI, Hàn Quốc cần cải cách khung pháp lý về quyền riêng tư dữ liệu. Điều này không có nghĩa là từ bỏ sự bảo vệ, mà là cần điều chỉnh phù hợp hơn với các quốc gia tương đồng như Nhật Bản. Cần đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ cá nhân và năng lực cạnh tranh kinh tế.
Hàn Quốc cũng nên phát triển các mô hình AI chuyên biệt, phản ánh thế mạnh công nghiệp và bối cảnh văn hóa của mình, chẳng hạn trong y tế, sản xuất, quốc phòng và sáng tạo nội dung, thay vì cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực AI đa năng. Bên cạnh đó, khi AI ngày càng gắn bó với đời sống hằng ngày, nhu cầu xây dựng hệ thống xác minh để đảm bảo an toàn sẽ tăng lên, tương tự như các tiêu chuẩn hiện nay đối với thực phẩm và thiết bị điện tử.
Vốn đầu tư: Chiến lược, không chỉ dựa vào thị trường
Nghiên cứu AI và phát triển hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ. Việc xây dựng và duy trì các trung tâm dữ liệu GPU cần đầu tư hàng nghìn tỉ won. Ví dụ, OpenAI được cho là tiêu tốn hàng trăm tỉ won mỗi tháng chỉ riêng tiền điện để vận hành hệ thống của họ.
Hàn Quốc không nên phó mặc gánh nặng này cho khu vực tư nhân. AI là ngành chiến lược có liên quan đến an ninh quốc gia. Cũng như chính phủ từng hỗ trợ sự trỗi dậy của các ngành ô tô, thép và đóng tàu, giờ đây cần trực tiếp đầu tư vào AI. Một cách tiếp cận tập trung là chọn ra hai hoặc ba công ty làm "nhà vô địch AI quốc gia" và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ để họ vươn ra toàn cầu.
Ngoài lĩnh vực cốt lõi, Hàn Quốc cũng cần thúc đẩy các ngành ứng dụng AI. Trong lịch sử, phần mềm ứng dụng thường mang lại giá trị lớn hơn so với hạ tầng cốt lõi. Trong thời kỳ chính quyền Kim Dae-jung, Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào các ứng dụng internet, tạo nên hệ sinh thái đặt nền móng cho nền kinh tế số ngày nay. Giờ đây, cần một chiến lược tương tự để xây dựng hệ sinh thái AI.
Mở rộng thị trường: Liên minh chiến lược vượt ra ngoài biên giới
Cuối cùng, Hàn Quốc cần vượt qua giới hạn của thị trường nội địa. Các mô hình AI chỉ trở nên khả thi về mặt kinh tế khi phục vụ số đông lên tới hàng trăm triệu người. Điều này đòi hỏi phải mở rộng ra ngoài lãnh thổ quốc gia.
Các mối quan hệ đối tác chiến lược với Đông Nam Á và Trung Đông có thể mở ra cơ hội mới. Nhiều quốc gia trong số này rất muốn áp dụng công nghệ AI nhưng thiếu chuyên môn kỹ thuật. Hàn Quốc với nền tảng kỹ thuật mạnh nhưng hạn chế về vốn, hoàn toàn có thể hợp tác hiệu quả. Rào cản ngôn ngữ cũng đang dần được xóa nhòa nhờ tiến bộ trong dịch máy.
Các công ty AI Hàn Quốc đã bắt đầu hợp tác với những quốc gia này. Những mối quan hệ này có thể mang lại lợi ích đôi bên - Hàn Quốc tiếp cận nguồn vốn, còn đối tác tiếp cận công nghệ tiên tiến. Đồng thời, các liên minh như vậy giúp đảm bảo rằng sự phát triển của AI không bị chi phối hoàn toàn bởi Mỹ và Trung Quốc.