Hàn Quốc nhanh chóng thích ứng với Covid-19 dù số ca nhiễm còn cao

Ngoại trừ Trung Quốc, ngày càng có nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản nhanh chóng chuyển sang chiến lược sống chung với virus SARS-CoV-2 bất chấp số ca nhiễm hàng ngày vẫn ở mức cao. Sắp tới, Hàn Quốc có thể là nước đầu tiên trên thế giới đưa Covid-19 ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm có cấp độ nguy hiểm cao nhất.

2. Hàn Quốc đang tập trung tiêm mũi tăng cường cho người già, với khoảng 63% người già đã tiên mũi vaccine thứ 3 so với chỉ 29% ở Mỹ. Ảnh: EPA-EFE

Sự thích ứng này một phần là nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và niềm tin vào năng lực của hệ thống y tế khi ứng phó với biến thể Omicron lây lan nhanh hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Xem xét hạ cấp độ cảnh báo nguy hiểm với Covid-19

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay ở Hàn Quốc là làn sóng lớn nhất mà so với các nước phát triển khác. Trong tháng 3, tỷ lệ ca nhiễm trung bình 7 ngày tính trên đầu người ở Hàn Quốc cao gấp 3 lần so với mức đỉnh được ghi nhận trước đó ở Mỹ và Anh. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đạt mức kỷ lục 621.197 vào hôm 17-3 và hiện vẫn ở trên mức 400.000 ca/ngày.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã gần như từ bỏ tất cả những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thậm chí, giới chức y tế gần đây nói rằng một đợt bùng phát dịch mạnh mẽ như vậy là điều cần thiết để kiểm tra niềm tin đối với hệ thống y tế trước khi Hàn Quốc loại bỏ Covid-19 ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất.

Các nước ở phương Tây như Mỹ, Anh, Đan Mạch và Iceland, đã bãi bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, báo hiệu rằng họ sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo, coi Covid-19 như là bệnh đặc hữu.

Hàn Quốc từng ở vị trí dẫn đầu trong số các nước châu Á có tỷ lệ ca nhiễm thấp trong phần lớn thời gian đại dịch. Nhưng nước này hiện đang đối phó virus theo cách khác trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày lên các mức cao kỷ lục nhưng số ca nhập viện và tử vong vẫn ở mức thấp nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao.

Singapore, nước từng thực thi một số biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt nhất trong khu vực, cũng đang dần dỡ bỏ các hạn chế bất chấp số ca bệnh vẫn ở mức cao. Với 92% dân số đã được tiêm chủng, Singapore đã bỏ quy định yêu cầu mọi người mang khẩu trang khi ra đường và bỏ luôn quy định cách ly đối với du khách đã tiêm vaccine.

“Cuộc chiến chống Covid-19 của chúng tôi đã đạt đến một bước ngoặt lớn”, Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long nói trong bài phát biểu vào tuần trước.

Úc, nước đóng cửa biên giới trong phần lớn thời gian đại dịch, đã mở cửa trở lại và bỏ yêu du khách làm xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh. Tuần trước, Nhật Bản cũng thông báo bỏ các hạn chế còn lại liên quan đến Covid-19 khi làn sóng lây nhiễm Omicron bắt đầu lắng xuống.

Nhưng Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới xem xét hạ cấp độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, hướng đến việc dỡ bỏ các quyền hạn khẩn cấp mà nước này đã sử dụng để ngăn chặn nó, các chuyên gia y tế toàn cầu cho biết.

Tại cuộc họp nội các hồi giữa tháng 3, tân Thủ tướng Hàn Quốc, Kim Boo-kyum kêu gọi hạ cấp độ cảnh báo đối với Covid-19 để “phản ánh những thay đổi về tình hình dịch bệnh” và hối thúc các nhân viên y tế thay đổi cách ứng xử với Covid-19

Ông nói: “Điều này sẽ cho phép hệ thống y tế trở về hoạt động bình thường khi ứng phó với Covid-19”.

Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học California ở San Francisco, nói: “Hàn Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên chuyển tiếp sang giai đoạn xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Nước này là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao nhất ở người trưởng thành và có niềm tin cao vào hệ thống y tế công cộng cũng như các công cụ phù hợp để thoát khỏi thời kỳ đại dịch”.

1. Người dân đi lại ở một khu mua sắm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 thuộc hàng thấp nhất thế giới

Mối đe dọa của Omicron giảm đáng kể ở Hàn Quốc nhờ 96% người trưởng thành ở nước này đã tiêm đầy đủ hai liều vaccine. Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm Covid-19 thấp nhất toàn cầu, 0,13%, tức chỉ bằng 1/10 tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Mỹ và Anh, theo Son Young-rae, người phát ngôn của Bộ Y tế Hàn Quốc.

“Trải qua một đợt lây nhiễm lớn là điều cần thiết trong quá trình chuyển tiếp sang giai đoạn xem Covid-19 là bệnh đặc hữu”, Son Young-rae nói.

Trong làn sóng lây nhiễm Omicron hiện nay, tỷ lệ tử vong tổng thể ở Hàn Quốc là 0,18% nhưng đối với những người dưới 60 tuổi thì tỷ lệ này gần bằng 0. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do cúm mùa ở Hàn Quốc là 0,05-0,1%.

Các quan chức y tế Hàn Quốc tự tin ứng phó dịch bệnh hơn vì những loại thuốc kháng virus, có thể giúp ngăn ngừa tử vong ở người cao tuổi, hiện đã được bán rộng rãi.

Các loại vaccine Covid-19 nội địa, hứa hẹn giúp Hàn Quốc chủ động về nguồn cung vaccine, cũng sẽ được sản xuất vào cuối năm nay.

Việc hạ cấp độ nguy hiểm đối với Covid-19 có thể xảy ra trong vài tháng tới, sau khi đợt bùng phát dịch hiện tại lắng xuống. Động thái này được nhiều tổ chức trị và y tế của Hàn Quốc ủng hộ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lo ngại việc hạ cấp độ đe dọa như vậy là quá sớm. Hàn Quốc chưa bao giờ hạ cấp đe dọa đối với một virus được xếp vào cấp độ 1, cấp độ rủi ro cao nhất, bao gồm virus gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV), Ebola và virus cúm H1N1.

Jerome Kim, Giám đốc Viện vaccine quốc tế, có trụ sở tại Seoul, cho biết các ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc sẽ giảm nhanh trong vài tuần tới nhưng điều đó không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc. Ông nói: “Hạ cấp rủi ro sẽ tạo ra cảm giác tự mãn”.

Hàn Quốc phân loại mối đe dọa do các bệnh truyền nhiễm gây ra trên thang điểm từ 1 đến 4 với 1 là mức cao nhất. Nước này đã xếp Covid-19 vào mức cảnh báo cao nhất vào tháng 2-2020, cho phép chính quyền sử dụng các quyền kiểm soát như hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng, tạm thời đóng cửa trường học và cấm tụ tập xã hội.

Các quốc gia khác cũng có quy định phân loại bệnh truyền nhiễm tương tự. Ví dụ, Nhật Bản đã xếp Covid-19 vào danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giống các bệnh như bệnh lao và SARS. Luật của nước này yêu cầu cách ly người mắc các bệnh đó. Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida vẫn thận trọng về việc thay đổi cấp độ nguy hiểm của Covid-19. Hồi tháng trước, ông nói rằng điều đó là không thực tế vì vẫn còn nguy cơ xảy ra những làn sóng lây nhiễm mới.

Vào đầu năm 2022, Hàn Quốc chỉ có tổng cộng 0,5 triệu ca nhiễm Covid-19. Ba tháng sau, với sự xuất hiện của biến thể Omicon, con số này lên 13 triệu.

Mặc dù số ca cao nhưng số giường bệnh vẫn bảo đảm. Tính đến hôm 29-3, số giường chăm sóc đặc biệt ở Han Quốc vẫn còn 32%. Trong hai tháng qua, Hàn Quốc chỉ nhập viện các ca nhiễm có rủi ro cao, bao gồm người cao tuổi hoặc những người có bệnh nền. Những bệnh nhân trẻ không có triệu chứng thì cách ly tại nhà, trong 7 ngày thay vì 14 ngày.

Hàn Quốc đang tập trung tiêm mũi tăng cường cho người già, với khoảng 63% người già đã tiên mũi vaccine thứ 3 so với chỉ 29% ở Mỹ.

Giáo sư Gandhi nói: “Với tỷ lệ tiêm chủng cao, các quan chức y tế Hàn Quốc có lý do chính đáng hạ cấp rủi ro của Covid-19 vì tập trung vào một căn bệnh lây nhiễm không phải là cách đúng đắn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Theo Wall Street Journal

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/han-quoc-nhanh-chong-thich-ung-voi-covid-19-du-so-ca-nhiem-con-cao/