Hàn Quốc: Những thách thức trong hoạch định chính sách tài chính
Thách thức lớn nhất với chính quyền mới ở Hàn Quốc là lo ngại rủi ro về một cuộc khủng hoảng kinh tế do thanh khoản quá mức trong bối cảnh tăng chi vì đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng tình hình Ukraine.
Ông Choo Kyung-ho, người được đề cử cho vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cho biết chính phủ mới cam kết giữ ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thiểu lạm phát trong khi vẫn thực hiện nỗ lực thúc đẩy các biện pháp bù đắp cho giới doanh nghiệp những người lao động tự do nhằm ổn định sinh kế.
Phát biểu với báo giới ngày 10/4 ngay sau khi được đề cử, ông Choo Kyung-ho cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch bổ sung thêm ngân sách để hỗ trợ các tiểu thương bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên nguyên tắc không gây thêm lạm phát hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính."
Ông Choo cho biết ngân sách bổ sung bao gồm quy mô và các phương thức chi trả sẽ được công bố vào cuối tháng Tư hoặc đầu tháng Năm.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cam kết chi 50.000 tỷ won (41 tỷ USD) để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tự do bị thiệt hại vì đại dịch COVID-19.
Thách thức lớn nhất đối với chính quyền sắp tới ở Hàn Quốc là lo ngại rủi ro về một cuộc khủng hoảng kinh tế do thanh khoản quá mức trong bối cảnh tăng chi vì đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine gây ra bất ổn và tăng giá nguồn cung khiến chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng vọt lên mức 4,1% trong tháng Ba, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Bất chấp nỗ lực nhằm xoa dịu lạm phát thông qua việc tăng lãi suất, sự phục hồi kinh tế vẫn diễn ra chậm chạp. Nghị sỹ Choo Kyung-ho, cho biết ông sẽ đặt ưu tiên hàng đầu vào việc ổn định giá cả song giới phân tích tài chính nghi ngờ tính khả thi bởi kế hoạch của chính phủ mới có vẻ sẽ mâu thuẫn khi muốn bình ổn giá nhưng lại phải tăng chi ngân sách bổ sung trị giá tới 50.000 tỷ won (40,7 tỷ USD) để kích thích nền kinh tế.
Một thách thức khác với người đứng đầu Bộ Tài chính là làm thế nào để ổn định thị trường bất động sản. Chính quyền mới phải điều chỉnh các chính sách dựa trên quy định của chính quyền đương nhiệm nhưng trên thực tế, giá căn hộ ở Seoul đã có dấu hiệu tăng ngay cả trước khi chính phủ mới bắt đầu hoạt động chính thức vào ngày 10/5.
Bên cạnh đó, nợ hộ gia đình có liên quan sâu sắc đến vấn đề bất động sản và có thể trở thành một yếu tố làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Vì vậy nhiệm vụ chính sách cấp bách là phải ổn định tốc độ gia tăng nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc hiện nay cũng là thách thức lớn đối với giới hoạch định chính sách tài chính vĩ mô.
Việc kiểm soát nợ hộ gia đình hiệu quả chỉ có thể thông qua điều hành chính sách về lãi suất, ám chỉ ngân hàng trung ương có thể tăng chi phí đi vay để kiềm chế gia tăng các khoản nợ song song với giãn nợ và các bước chính sách vĩ mô khác.
Tuy nhiên, chi phí đi vay tăng cao làm dấy lên những lo lắng rằng chính phủ có thể tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình vốn đã vay nợ để vượt qua đại dịch COVID-19 và mua nhà trong bối cảnh giá cả nhà đất tăng vọt./.