Hàn Quốc phát triển vaccine phòng bệnh than tái tổ hợp protein đầu tiên trên thế giới
Hàn Quốc mới đây đã phát triển thành công Barythrax inj. - loại vaccine phòng bệnh than đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ tái tổ hợp protein.
Theo hãng tin Yonhap, đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tự chủ nguồn cung vaccine và cũng có thể mở ra tiềm năng xuất khẩu lớn cho loại vaccine mới với ít tác dụng phụ hơn.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã hợp tác với công ty tư nhân GC Biopharma Corp. để phát triển loại vaccine này. Khác với vaccine thông thường, vaccine có tên gọi Barythrax inj. sử dụng một dòng vi khuẩn Bacillus brevis không sinh độc tố để sản xuất kháng nguyên bảo vệ (PA) - yếu tố then chốt trong việc tạo miễn dịch. Phương pháp này giúp giảm đáng kể nguy cơ tiếp xúc với độc tố và các tác dụng phụ, nhờ đó nâng cao tính an toàn và hiệu quả kinh tế so với các loại vaccine hiện hành.
Loại vaccine mới được Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) cấp phép lưu hành vào tháng 4 vừa qua. Chia sẻ tại một buổi họp báo, KDCA cho biết, với bước tiến này, lần đầu tiên Hàn Quốc có thể tự sản xuất và cung ứng vaccine phòng bệnh than, chấm dứt hoàn toàn việc phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.
"Như đã được chứng minh trong đại dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan nhanh chóng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực ứng phó chủ động ở cấp quốc gia" - bà Kim Gab-jung, Tổng Giám đốc Bộ phận Chẩn đoán và phân tích bệnh tật thuộc KDCA, nhấn mạnh.
Bà Kim cho biết thành tựu này sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu vaccine và cho phép ứng phó nhanh hơn, ổn định hơn trong các tình huống khẩn cấp quốc gia như khủng bố sinh học.
"Không chỉ dừng lại ở việc tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm, việc phát triển loại vaccine này còn là một đóng góp lớn trong việc củng cố an ninh y tế cộng đồng của cả nước" - vị quan chức này cho biết.
Khi được hỏi liệu căng thẳng với Triều Tiên có ảnh hưởng đến quá trình phát triển loại vaccine này hay không, bà Kim cho biết đây không phải là một dự án nhằm mục đích cụ thể là ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng từ Triều Tiên mà là một phần trong kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng trên toàn quốc.
"Nhưng có một điều rõ ràng là Hàn Quốc cần sự chuẩn bị toàn diện hơn bởi chúng tôi đang đối mặt với tình hình địa chính trị rất khác biệt so với nhiều quốc gia khác" - bà nhấn mạnh.
Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu vaccine phòng bệnh than Biothrax do công ty Mỹ Emergent BioSolutions Inc. sản xuất.
Về nguồn dự trữ vaccine Barythrax inj. trong tương lai, vị quan chức này cho biết: "Toàn bộ các liều vaccine mới sẽ được đảm bảo từ nguồn sản xuất trong nước, mặc dù các kế hoạch cụ thể chưa thể công bố ở thời điểm hiện tại".
Bên cạnh việc chủ động dự trữ nguồn cung nội địa, KDCA và GC Biopharma kỳ vọng sẽ thu hút những đơn hàng lớn từ các nước chưa có khả năng tự sản xuất vaccine phòng bệnh than. Nhu cầu toàn cầu đối với loại vaccine này dự kiến tăng, đặc biệt khi bệnh than vẫn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng khi một số nước ghi nhận các đợt bùng phát gần đây.

Các nhân viên đang làm việc tại nhà máy sản xuất vaccine phòng bệnh than của Công ty GC Biopharma, đặt tại Hwasun, tỉnh Nam Jeolla.
Năm 2023, Zambia ghi nhận hơn 600 ca bệnh than, trong khi Uganda xác nhận 251 ca trong năm 2024. Một số quốc gia như Lào, Thái Lan và Cộng hòa Dân chủ Congo cũng ghi nhận các ca tử vong vì căn bệnh này trong những năm gần đây.
"Để thay thế các sản phẩm vaccine phòng bệnh than hiện có trên thị trường, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của sản phẩm và đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị nhằm xuất khẩu Barythrax" - ông Lee Jae-woo, Giám đốc phát triển của GC Biopharma, chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm, vaccine phòng bệnh than là một phần trong nỗ lực đóng góp xã hội của GC Biopharma, đồng thời nhấn mạnh rằng công ty đã thu được lợi nhuận đáng kể từ các loại vaccine thủy đậu và cúm mùa - những dòng sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu lớn.
KDCA bắt đầu nghiên cứu cơ bản về vaccine phòng bệnh than từ năm 1997. Đối tác GC Biopharma, tiền thân là Green Cross, chính thức tham gia dự án này từ năm 2002. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên đến 30 tỷ won (22 triệu USD).
Từ khi bệnh than được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải khai báo tại Hàn Quốc vào năm 2000, nước này chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào.
GC Biopharma hiện chủ yếu xuất khẩu các loại vaccine phòng thủy đậu, cúm mùa, cùng một số loại thuốc chuyên biệt như Aliglo (điều trị suy giảm miễn dịch) và Hunterase (điều trị bệnh máu khó đông). Năm 2024, công ty đạt doanh thu 1.680 tỷ Won, tăng 3,3% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đóng góp 380 tỷ Won, chiếm 23% tổng doanh thu.
vtv.vn