Hàn Quốc sẽ tập trận gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản: Làm mới câu chuyện cũ

Ngày 4/8, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn giấu tên từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, Seoul sẽ sớm tiến hành tập trận gần quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản thì gọi là Takeshima.

Nhóm đá Dokdo/Takeshima nhìn từ biển. (Nguồn: Dokdo-Takeshima)

Cuộc tập trận sẽ quy tụ đông đủ hải quân, không quân và lực lượng bảo vệ bờ biển. Hằng năm, Hàn Quốc thường tổ chức tập trận vào tháng 6 và tháng 12 tại khu vực này, song năm nay sự kiện này đã bị trì hoãn hơn hai tháng, tránh làm phức tạp thêm mâu thuẫn song phương.

Dù chỉ là những đảo đá, nhưng Dokdo/Takeshima có ý nghĩa chiến lược đặc biệt, khi án ngữ tuyến hàng hải và hàng không trọng yếu tại Biển Nhật Bản, cùng trữ lượng khoáng sản và khí đốt dồi dào. Bởi vậy, Tokyo và Seoul đều tuyên bố chủ quyền với khu vực, khẳng định chúng là một phần lãnh thổ từ hơn một thế kỷ qua.

Động thái của Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Nhật Bản. Tờ Mainichi dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết rằng, Tokyo “lấy làm tiếc” với quyết định của Hàn Quốc, hy vọng Seoul nghĩ lại và không thực hiện cuộc tập trận bởi nó có thể khiến quan hệ giữa hai quốc gia, vốn đang căng thẳng, trở nên trầm trọng hơn.

Căng thẳng giữa hai nước bắt đầu leo thang từ đầu tháng Bảy, khi Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba nguyên liệu thiết yếu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ngày 2/8, Tokyo còn quyết định loại Seoul khỏi “danh sách trắng” các đối tác thương mại tin cậy. Các biện pháp này được đưa ra sau khi tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân bị bóc lột lao động thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong Thế chiến II. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Seoul.

Tuy nhiên, khi mà Nhật Bản chưa cho thấy thiện chí cần thiết, các quan chức theo đường lối cứng rắn ở Hàn Quốc đã quyết định rằng một cuộc tập trận mang tính rắn đe là cần thiết.

Vào cuối tháng 7, khi một máy bay do thám Nga bay vào không phận Dokdo/Takeshima, Hàn Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu và bắn cảnh cáo. Nhật Bản đã lập tức phản đối, cho rằng họ mới là người nên bắn cảnh cáo và gọi nhóm đảo đó là lãnh thổ của mình. Nếu căng thẳng tiếp diễn, không loại trừ khả năng những phát bắn cảnh cáo này sẽ có thể được hai quốc gia chung Biển Nhật Bản này dành cho máy bay và tàu chiến của nhau.

Ngoài ra, căng thẳng giữa hai nước còn gây ảnh hưởng xấu cho cơ chế hợp tác an ninh 3 bên giữa Mỹ - Nhật - Hàn. Các quan chức Mỹ đặc biệt lo ngại Seoul sẽ chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo mà Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được vào năm 2016, khiến Mỹ thiếu đi những thông tin cần thiết để thực hiện chính sách gây áp lực đối với Trung Quốc và Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, lịch sử quan hệ trắc trở, thành kiến của một bộ phận người dân và chính sách cứng rắn của lãnh đạo hai bên sẽ khiến Nhật Bản và Hàn Quốc khó có thể tìm phương pháp giải quyết triệt để căng thẳng mà không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, Mỹ - đồng minh thân cận của cả Nhật Bản và Hàn Quốc tại khu vực Đông Bắc Á đang cố gắng làm trung gian hòa giải. Tuy vậy, Washington cũng đang tỏ ra bối rối. Ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên kế hoạch gặp riêng với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại Bangkok nhằm xoa dịu căng thẳng, song cả 2 buổi họp đều bị hoãn vì lý do “lịch trình không phù hợp”.

Người ta thường nói “thời gian có thể chữa lành mọi vết thương”, song vết thương cũ chưa lành nay lại một lẫn nữa phát tác, không kém phần nhức nhối.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/han-quoc-se-tap-tran-gan-quan-dao-tranh-chap-voi-nhat-ban-lam-moi-cau-chuyen-cu-98963.html